KALI LÀO ĐÈ BẸP KALI ISRAEL
A, chủ một nhà máy chuyên sản xuất phân bón NPK khoe: Hai tháng nay, tụi em chuyên dùng loại này làm nguyên liệu, thật tuyệt vời từ độ mịn của hạt đến màu trắng ngà của sữa và đặc biệt là giá cả lại vô cùng hấp dẫn.
Trên thị trường hiện nay, phân KCl xuất xứ từ Lào được nhập về và bán tại cảng TP.HCM với giá 7.800 đ/kg, trong lúc phân KCl của Israel, Nga, Belarus có giá đến 9.400 đ/kg và hầu hết các công ty sản xuất phân NPK dạng 1 hạt, dạng phân bột trộn đang dùng MOP từ Lào làm nguyên liệu.
Cùng với Kali Lào, còn có Kali Chilê 40% cũng xuống giá đến 40%. Hiện tại giá Kali Chilê chỉ dao động từ 210 - 230 USD/T.
Theo các công ty nhỏ, giá Kali Lào rẻ bất ngờ đã khiến cho phân KCl của Israel, Nga, Belarus… đều bị chững lại trong tiêu thụ, khiến cho nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhập khẩu độc quyền thua lỗ nặng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Đạt, TGĐ TCty Phân bón Miền Nam thì việc xuống giá liên tục từ 450 USD/T ở đầu năm chỉ còn 325 USD/T hiện nay bắt nguồn từ việc hãng Uralkali rút khỏi liên minh trong tập đoàn BPC (bao gồm nhiều hãng sản xuất phân MOP) của Belarus do Ural không chịu nổi việc sản lượng được bán ra quá thấp (giá do BPC đưa ra do chiếm đến 40% sản lượng của toàn thế giới).
Ural lại có thị trường truyền thống là Malaysia với 2 triệu T/năm và đang thực hiện lời hứa sẽ đưa MOP về với giá trị thực từ 300 - 350 USD/T. Mất thị phần khiến cho BPC cũng phải xuống giá theo. Không những chỉ xuống giá mà các hãng còn chấp nhận rất thoáng các điều kiện thương mại, chẳng hạn BPC trước đây chỉ bán MOP cho 3 công ty tại VN với mỗi đơn hàng ít nhất cũng phải 3.000 T nhưng hiện nay bán bất cứ cho ai và chỉ cần 500 T cũng đã vui vẻ bán.
SA, DAP, URÊ ĐỀU RẺ BẤT NGỜ
Không những với Kali mà các loại phân khác như SA, DAP, Urê đều có giá rất rẻ. Trước đây SA đứng giá 250 USD/T trong 2 năm liền nhưng từ năm 2013 đã giảm liên tục xuống chỉ còn 125 USD/T, thậm chí có lúc xuống chỉ còn 108 USD/T. Urê hạt trong đã từ 9.800 đ/kg xuống chỉ còn trên dưới 7.000 đ/kg.
Urê hạt đục hiệu quả táo của Hải Nam Trung Quốc được đánh giá là tốt nhất, đẹp nhất khu vực và thường được các công ty sản xuất NPK mua làm nguyên liệu (trộn) với giá cao thì nay cũng chỉ bán CIF với giá 8.000 đ/kg ngang với đạm Cà Mau (trước đây thường cao hơn đạm Cà Mau từ 400 - 500 đ/kg). DAP từ 560 USD/T giảm chỉ còn 420 - 430 USD/T. DAP giá rẻ khiến cho các công ty sản xuất phân lân super, lân nung chảy giảm lượng bán hàng đến 30%.
CÔNG NGHỆ URÊ HÓA LỎNG - CÔNG NGHỆ PA
Giá phân đơn xuống thấp đã khiến cho người nông dân được lợi và các công ty chuyên sản xuất phân NPK càng có lợi nhuận cao mặc cho doanh số có phần giảm sút. Theo ước tính, các công ty có thương hiệu lớn đều có lãi từ 100 - 200 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2012.
Với những công ty vừa và nhỏ, đây là cơ hội để nâng cấp thiết bị. Sau khi tham khảo dây chuyền của nhiều công ty khác nhau, giám đốc DN quyết định đầu tư vài chục tỷ để sắm dây chuyền NPK ép không chất độn. Cty HL đã ký với Cty Long Xương lắp đặt dây chuyền NPK một hạt có công nghệ Urê hóa lỏng và một số công ty khác cũng đang sang Trung Quốc tham quan.
Khi được hỏi về tính hiệu quả kinh tế của công nghệ Urê hóa lỏng, một chuyên gia Tập đoàn Hóa chất VN cho biết, từ Bắc vào Nam đã có 10 dây chuyền công nghệ này của Trung Quốc và được quảng cáo rầm rộ, thậm chí có công ty còn coi là sự kiện kỹ thuật tiên phong, nhưng trên thực tế chưa có dây chuyền nào hoạt động có hiệu quả kỹ thuật thực sự, mỗi dây chuyền thường chỉ chạy được vài ba ca/tuần, phần lớn thời gian dành cho việc vệ sinh, bảo trì, sửa chữa.
Giám đốc một công ty khác chia sẻ, thực ra thiết bị này cũng chỉ là ngách gá thêm, trị giá chỉ khoảng 1,3 - 1,5 tỷ đồng, nên sau khi qua Trung Quốc tham quan, công ty vẫn quyết định đầu tư, nếu chạy được thì chạy, nếu không thì nghỉ nhưng vẫn quay phim, chụp ảnh làm quảng cáo, PA rất hiệu quả nên không thể nói dây chuyền Urê hóa lỏng là lãng phí, là đắt đỏ.