Chất lượng và tính hiệu ứng lan tỏa của đầu tư công, nếu không được nâng lên, thì sức ép lên lạm phát, bất ổn vĩ mô còn lớn hơn nữa. Với việc có thể phải đánh đổi ổn định vĩ mô lấy vài phần trăm tăng trưởng mà chưa rõ có hiệu quả gì về chất lượng tăng trưởng, liệu có đáng?
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Mỹ tuyên bố bắt đầu giảm bớt hỗ trợ trực tiếp cho nền kinh tế nước này. Các lãnh đạo cấp cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đa số cũng đồng thuận việc cắt giảm mua tài sản từ đầu năm 2014.
Họ tin rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng, giải quyết tốt vấn đề việc làm và kỳ vọng lạm phát mục tiêu mà không cần thêm các kích thích kinh tế mạnh mẽ. Như vậy, cuộc khủng hoàng tài chính của Mỹ, bắt đầu từ cho vay thế chấp dưới chuẩn, dường như đã đi qua.
Nhưng với Việt Nam, nền kinh tế được cho là chỉ bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, vẫn còn đang phải vật lộn với khó khăn. Hồi tháng trước, Quốc hội đã thông qua đề xuất của Chính phủ, tăng tỷ lệ bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% so với GDP và đồng ý việc phát hành thêm trái phiếu Chính phủ trị giá 170 nghìn tỷ đồng.
Dù rằng ngay khi đó, Chính phủ vẫn khẳng định kinh tế đang trên đà phục hồi. Ngay đầu tuần này, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được công bố đã có nhiều cải thiện, với tăng trưởng GDP cao hơn năm ngoái.
Trong khi rất nhiều nền kinh tế trên thế giới được điều hành bởi các giải pháp xuyên suốt, như Mỹ đã từng nới trần nợ công để có thể kích thích kinh tế liên tục trong nhiều năm, hay một số nước quyết thắt chặt tài khóa vì lo ngại vỡ nợ kỹ thuật... thì Việt Nam mục tiêu chính sách vĩ mô đi từ thái cực này sang thái cực khác: hết nới lỏng giai đoạn 2007-2008 đến thắt chặt từ 2009 và nay, dường như lại đang nới các biện pháp can thiệp tổng cầu, thông qua đầu tư công.
Nhiều chuyên gia kinh tế từng khuyến cáo, dù là giải pháp điều hành thế nào, nhưng đừng đi từ thái cực này sang thái cực khác. Nhưng trên thực tế, các đổ vỡ của khối DN, theo công bố là gần 61 nghìn đơn vị trong năm nay, dường như là không chịu đựng nổi với cơ quan điều hành.
Lúc này đây, có thể là các DN bất động sản đang xếp hàng trên miệng vực phá sản, hay các DN xi măng, sắt thép, xây dựng và lắp máy... cố cầm cự để chờ được ngân sách cho “bú mớm”. Nhiều DN, mà trong đó, thuộc sở hữu Nhà nước chiếm “thị phần” áp đảo.
Các báo cáo tài chính về bức tranh ảm đạm của khối này đang trở thành một điểm tựa cho chính sách tài khóa sẽ mở rộng hơn trong năm tới. Nền kinh tế, khi những khốn khó của người dân dường như đang bị bắt làm con tin để “mặc cả” cho giải pháp nới lỏng đầu tư công, thì vẫn ở vị thế chờ “bú mớm”.
Những cảnh báo về mở rộng tổng cầu bằng nới bội chi ngân sách và phát hành thêm trái phiếu đã phát đi. Rủi ro là lạm phát có thể quay trở lại rất nhanh vì tính hiệu quả thấp của đầu tư nguồn vốn ngân sách như lâu nay và vẫn chưa có tín hiệu được cải thiện. Những khiếm khuyết của nền kinh tế như đầu tư công kém hiệu quả, năng lực cạnh tranh thấp... lại được che đậy bởi các dòng vốn mới có thể vực dậy phần nào doanh số của báo cáo tài chính.
Như thế, công cuộc tái cấu trúc có thể bị chệch hướng, không sửa chữa đến cùng những bất hợp lý có tính cốt lõi trong nền kinh tế. Đầu tư công đang trong quá trình tái cơ cấu theo hướng hiệu quả, nay lại được tiếp sức để khơi lại những vấn đề của dự án công trước đây. Quan trọng hơn, tương lai phát triển của đất nước sẽ lại khó có thể bền vững, do những lỗi hệ thống chưa thể được sửa chữa và cắt gọt những mầm bệnh còn ủ sâu.
Đảm bảo trạng thái cân bằng của tiền - hàng trong nền kinh tế, khi đầu tư công tăng lên, sẽ trở thành một gánh nặng với điều hành chính sách tiền tệ. Bởi khi các NHTM có thể sẽ lựa chọn tiếp tục mua vào trái phiếu Chính phủ như lâu nay họ từng làm, đồng tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng sẽ chỉ được hút về khi lãi suất đủ hấp dẫn.
Bằng không, lạm phát sẽ tăng lên. Tỷ giá cũng có thể chịu sức ép tăng khi nhập khẩu cao và nhập siêu trở lại mạnh mẽ. Bởi theo lý thuyết, khi đầu tư càng lớn hơn tiết kiệm của nền kinh tế thì nguồn lực bên ngoài sẽ phải bổ sung càng nhiều.
Như vậy, cả ba biến số là lạm phát, lãi suất và tỷ giá đều đang đứng trước sức ép của việc nới bội chi ngân sách và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ. Chất lượng và tính hiệu ứng lan tỏa của đầu tư công, nếu không được nâng lên, thì sức ép lên lạm phát, bất ổn vĩ mô còn lớn hơn nữa. Với việc có thể phải đánh đổi ổn định vĩ mô lấy vài phần trăm tăng trưởng mà chưa rõ có hiệu quả gì về chất lượng tăng trưởng, liệu có đáng?