Quan điểm trái chiều giữa Mỹ và Nhật Bản về lĩnh vực nông nghiệp và Nhật xem thị trường nông sản là“bất khả xâm phạm”, đó chính là nguyên nhân khiến vòng đàm phán thất bại.
Nhật vẫn giữ vững quan điểm bảo vệ nông nghiệp của nước mình. Nếu tham gia TPP, những sản phẩm nông nghiệp sẽ không cạnh tranh lại nước ngoài. Đơn cử như thịt bò, gạo, trái cây, cá ngừ là những sản phẩm cao cấp có nguy cơ bị cạnh tranh lớn nếu hàng cùng loại giá rẻ nhập khẩu vào.
Không cùng cấp độ phát triển nền kinh tế nhưng tác động đáng lo ngại nhất khi gia nhập TPP của Việt Nam cũng chính là nông nghiệp. Chính Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chia sẻ trên phương tiện truyền thông, đối với TPP, lĩnh vực bị tổn thương nhất là nông nghiệp. Khi TPP được ký kết, rất nhiều ngành hàng nông nghiệp sẽ thua trên sân nhà. Đầu tiên là sản phẩm chăn nuôi trong thời điểm hiện tại đã gặp khủng hoảng. Sau đó đến lĩnh vực xuất khẩu nông sản, DN Việt Nam đang lép vế trước các DN FDI và thương lái Trung Quốc. Không chỉ DN mà người nông dân vào TPP khổ nhiều hơn sướng.
Dường như hiểu được tác động tiêu cực, phía Việt Nam đã yêu cầu Hiệp định TPP phải là một hiệp định cân bằng về lợi ích, tức là nước nào cũng có lợi ích, tính đến chênh lệch về trình độ phát triển. Việt Nam sẽ đi đến cam kết nhưng không phải thực hiện ngay việc miễn thuế, giảm thuế khi TPP có hiệu lực mà có khoảng thời gian chuẩn bị.
Tuy nhiên, Việt Nam cần đề xuất những giải pháp cụ thể hơn, kiên quyết hơn để bảo vệ sản xuất trong nước. Nhìn cách bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước, lo cho lợi ích nông dân của Nhật Bản, một nước nền kinh tế hàng đầu thế giới đáng để chúng ta học tập. Chuyển đổi thành một nước công nghiệp, hội nhập kinh tế thế giới là tất yếu, song cũng cần chủ động vừa phòng vệ vừa thích ứng hợp lý.