Thành phố Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong nỗ lực tạo một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn. Điều này đã được thể hiện qua kết quả điều tra chỉ số PCI trong nhiều năm trước 2010. Tuy nhiên, trong hai năm 2011-2012, chỉ số PCI của Đà Nẵng không còn trong Top đầu cả nước và năm 2013, Đà Nẵng tiếp tục bị tụt hạng, xếp vị thứ 12.
Thấy được hạn chế của mình, trong những năm gần đây, UBND thành phố Đà Nẵng cùng các ngành liên quan luôn có những động thái nhằm phân tích, đánh giá, đề ra giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, song trong quá trình thực hiện những bất cập chậm được giải quyết.
Cụ thể, một số đơn vị còn chủ quan, lúng túng trong việc tham mưu chính sách, chủ trương; thủ tục hành chính tuy được cải cách tích cực nhưng việc thực thi ở cấp dưới chưa đồng bộ. Việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn bất cập. Đáng chú ý là mức độ hài lòng của doanh nghiệp dành cho đầu mối giải quyết thủ tục khá thấp, năm 2012 sự tín nhiệm ở mức khoảng 35,5%.
Ngoài ra, một phân tích cũng chỉ ra một số điểm lo ngại khiến PCI của Đà Nẵng sụt giảm đó là: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo thành phố và Thiết chế pháp lý.
Tình trạng suy giảm về điểm số và tụt hạng tiếp diễn của PCI Đà Nẵng đặt ra yêu cầu thành phố phải tập trung phân tích nguyên nhân, vấn đề tồn tại thông qua các lĩnh vực điều hành được phản ảnh trên từng chỉ số cạnh tranh, trên cơ sở đó giải quyết nhanh những vướng mắc của doanh nghiệp ở tầm điều hành của UBND thành phố.
Từ vị trí dẫn đầu cả nước, chỉ số PCI của Đà Nẵng không chỉ hạ bậc và còn hạ về điểm số. Đây là một thực tế đòi hỏi sự thay đổi về chất trong điều hành để hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền các cấp ở thành phố Đà Nẵng, nhất là khi năm 2014 được chọn là Năm Doanh nghiệp của Đà Nẵng.
Từng có một Năm Doanh nghiệp 2004 không mấy ấn tượng, sau 10 năm thực hiện lại chủ đề này, phải chăng Đà Nẵng đang quyết tâm tạo một dấu ấn mới của mình trong môi trường cạnh tranh của cả nước?