Cho vay cầm cố chứng khoán ở các NHTM Nhà nước : "Room" 3% sắp hết

Không còn nhiều cơ hội

Theo thông tin gần nhất,  hiện NH Đầu tư và Phát triển VN (BIDV)- NH đứng thứ nhì về dư nợ cho vay  trong trong toàn hệ thống NH  gần như đã cho vay hết tỉ lệ 3%. Số dư nợ này nằm chủ yếu tại Chi nhánh Nam Kỳ khởi nghĩa (TP.HCM) và hai chi nhánh Hà Thành, Quang Trung (HN).

Một số chi nhánh của BIDV đang chuẩn bị triển khai cho vay thì bị thông báo tạm ngừng vì đã hết tỉ lệ cho phép. Vietcombank  đã cho vay CK khoảng 2%. Theo tính toán của các chuyên gia, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) còn "room" trên 1% và NH Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) còn gần 2%. 

Số tiền tối đa mà 5 NHTMNN được phép sử dụng để cho vay CK khoảng trên 15.000 tỉ đồng. Từ trước đến nay, các NHTMNN chủ yếu cho vay và chiết khấu giấy tờ có giá đối với các CTCK.

Với tỉ lệ đã sử dụng, có thể thấy số vốn các NHTMNN còn được phép cho vay CK không còn lớn đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường như mọi người tưởng. Và  các NĐT nhỏ, lẻ cũng không nhiều cơ hội tiếp cận vốn của NHTMNN.

Ngân hàng sợ rủi ro

Trước khi có Chỉ thị 03, các NHTMNN đều có tỉ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh CK  rất thấp (khoảng 1%/tổng dư nợ). Khi không còn "cửa" để vay các NHTM CP (hầu hết đã vượt xa tỉ lệ quy định) thì người ta mong đợi các NHTMNN  với thị phần dư nợ lớn  (khoảng 66,7% tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống) sẽ sử dụng hết tỉ lệ của mình cho thị trường  đỡ căng thẳng về vốn.

Tuy nhiên, chỉ đến khi TTCK có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, vốn khả dụng dư thừa lớn đe dọa đến kết quả kinh doanh thì một số NHTMNN mới nghĩ đến việc tăng cường cho vay CK.

Phó GĐ một chi nhánh NH Công thương nói: "NHTMNN không có sự nhanh nhạy như các NHTM cổ phần. Cơ chế còn trì trệ, tư tưởng chỉ "khoái" cho vay các TCty Nhà nước, đầu tư các dự án lớn. Họ coi mình là NH đầu tư (Invest bank) chứ không cho mình là NH bán lẻ (Retail bank). Vì vậy, họ không hào hứng cho vay kinh doanh CK, rủi ro lớn, không "ăn" mấy".

Cũng theo ông này, hầu hết các NHTMNN chủ yếu chỉ cho vay và chiết khấu giấy tờ có giá đối với các CTCK, các quỹ đầu tư. Việc cho các cá nhân vay là rất hạn chế. Cách đây nhiều tháng, một số NHTMNN đã có công văn hướng dẫn các chi nhánh cho vay CK khá "nuột nà" nhưng rất ít chi nhánh triển khai vì sợ rủi ro, trách nhiệm.

GĐ một chi nhánh NHTMNN nói: "Tôi  nói với nhân viên không việc gì phải mở rộng cho vay kinh doanh CK, siêu lợi nhuận thì người vay hưởng, lãi suất NH có phải vì thế mà thu hơn được đâu. Rủi ro thì mình chịu".

Cũng vì tư tưởng đó cho nên đến bây giờ nhiều chi nhánh của NHTMNN cũng gần như chẳng mặn mà gì đến việc cho vay kinh doanh CK. Phó phòng Kinh doanh  một chi nhánh NHTMNN lớn tại trung tâm HN nói:

"Được phép của hội sở chính, chúng tôi cũng  cho vay kinh doanh CK đấy, nhưng mấy tháng nay chẳng thấy khách hàng nào đến hỏi, có lẽ đã vay ở đâu thì họ quen vay ở đấy rồi. Chúng tôi cũng chẳng muốn quảng cáo rộng rãi làm gì. Ai đến vay, đủ điều kiện thì chúng tôi sẽ xem xét,  không thì thôi".

Lãnh đạo một chi nhánh NH còn cho biết: Có DNNN đến đặt vấn đề NH cho  CBCNV vay vốn mua CP của DN phát hành lần đầu nhưng NH này từ chối vì sợ rủi ro.  Một số NĐT cũng than phiền là thủ tục của các NHTMNN thì phức tạp, thời gian giải ngân rất chậm, trong khi nhu cầu vay kinh doanh CK chỉ tính theo giờ.
 
Hiện một vài sở giao dịch, chi nhánh NHTMNN tại HN cho biết đang có kế hoạch triển khai cho các NĐT vay nhưng họ còn tiến hành xây dựng quy trình quản trị rủi ro và quy trình quan hệ, phối hợp với CTCK, phải khoảng 1 tháng nữa mới có thể tiến hành cho vay được.

Chủ yếu chỉ cho vay ứng trước

Cho vay CK có thể tạm chia thành ba loại:

1/Cho vay ứng trước theo công thức T+3 khi người bán đã khớp lệnh bán, tiền đang trên đường về tài khoản, NĐT cần vay tiền để tiếp tục kinh doanh CK trên cùng một tài khoản, NH thu nợ ngay khi tiền về tài khoản khách hàng. Với hình thức này NH thường kết hợp với CTCK để thực hiện.
 
2/Cho vay cầm cố CK hoặc bảo đảm bằng tài sản khác với mục đích đầu tư ngắn hạn. Kỳ hạn vay  theo tháng, cao nhất là 12 tháng. Loại cho vay này khá rủi ro.

3/Cho vay cầm cố CK hoặc bảo đảm bằng tài sản khác với mục đích đầu tư dài hạn, thường đến 3 năm.

Hội sở chính các NHTMNN có xu hướng  khuyến khích các chi nhánh tập trung cho vay ứng trước hoặc CP IPO, nhưng các chi nhánh thì chỉ muốn cho vay ứng trước. Loại cho vay này tuy phải chia sẻ lợi nhuận với các CTCK (trả phí CTCK từ 5-10% lãi suất thu được) nhưng an toàn, gần như không có rủi ro.

Phó GĐ một chi nhánh NHTMNN nói: "Cho vay ứng trước thì quá đơn giản, nếu có vốn, CTCK nào cũng làm được cần gì đến NH. Bây giờ nhiều CTCK vốn lớn họ toàn tự làm, chỉ có các Cty nhỏ, ít vốn mới cần đến vốn NH. Vốn ứng trước cũng cần nhưng các NĐT cần nhất là NH cho vay cầm cố bằng CK và  bảo đảm bằng  tài sản khác để đầu tư, kinh doanh CK".

Một số cán bộ phụ trách phòng kinh doanh của các chi nhánh NHTMNN cho biết, sở dĩ các NH không dám cho vay ngắn hạn và trung  hạn vì họ chưa có đội ngũ cán bộ có khả năng phân tích, dự đoán diễn biến các mã CP và TTCK.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây