Mức giá khởi điểm 51.000đ/cổ phần được đánh giá là khá thấp dẫn trong điều kiện thị trường niêm yết đang khởi sắc.
Lợi thế của tập đoàn
Điểm mạnh tạo sức hấp dẫn đối với cổ phần PVFC chính là ở chỗ Cty là một đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí VN (PetroVietnam). Theo ông Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐQT PetroVietnam, PVFC được xác định là xương sống tài chính trong hệ thống tài chính, NH, CK, bảo hiểm của tập đoàn. Sức mạnh của PVFC còn có sức mạnh của PetroVietnam.
Với lợi thế đặc biệt này, thị trường của PVFC rất ổn định, mang tính truyền thống. Từ năm 2000-2006, PVFC đã thu xếp vốn cho rất nhiều dự án lớn của ngành với tổng giá trị lên tới 10.000 tỉ đồng.
Các khách hàng của PVFC trước hết là PetroVietnam và các thành viên trong tập đoàn, ngoài ra còn có các TCty lớn như TCty Sông Đà, TCty Lắp máy, TCty Đầu tư và Phát triển đô thị...
Theo số liệu tài chính từ 2002-2006, mức doanh thu và lợi nhuận của PVFC luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Dự kiến doanh thu 2007 của PVFC là 3.000 tỉ đồng, tăng gần 3 lần so với kết quả 2006, lợi nhuận trước thuế đạt 703 tỉ đồng, tăng 5,6 lần. Tuy nhiên, riêng 9 tháng đầu năm 2007, doanh thu của PVFC đã đạt 2.003 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 631 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT PVFC, chắc chắn Cty sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch 2007. Nguyên nhân của kết quả hoạt động đột biến này là do quy mô vốn 2007 của PVFC đã tăng gần 3 lần với gần 3.000 tỉ đồng.
Một trong những điểm NĐT quan ngại là mới đây PetroVietnam đã xúc tiến xin thành lập NH Dầu khí khiến khả năng cạnh tranh trong nội bộ tập đoàn sẽ tăng lên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT PVFC và ông ông Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐQT PetroVietnam đều khẳng định mức tác động là rất nhỏ.
Theo ông Dũng, hiện cơ cấu doanh thu của hoạt động tín dụng (vốn là hoạt động chính của NH) trong PVFC không lớn, chiếm khoảng 1/3. Hiện tại, PVFC cũng cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng, nhưng định hướng phát triển chính của Cty là thành một định chế tài chính đầu tư, bán buôn là nền tảng. Đây cũng là nguyên nhân khiến PVFC không chủ trương mở rộng quá nhiều chi nhánh với mục tiêu phục vụ dân cư.
Theo kế hoạch CPH, PVFC đã sẽ thành lập khá nhiều Cty con với các ngành nghề hấp dẫn như Cty đầu tư và tư vấn tài chính, Cty BĐS, Cty quản lý quỹ, Cty truyền thông và sắp tới là Cty CK, Cty bảo hiểm... Một Cty quản lý quỹ cũng sắp được cấp phép và trước mắt sẽ thành lập hai quỹ: Quỹ đầu tư BĐS và Quỹ đầu tư năng lượng dầu khí. Hai quỹ này cũng huy động vốn để đầu tư vào các dự án lớn của Petro VN.
IPO gặp thời?
Với quy mô cũng như lợi thế của PVFC, mức giá khởi điểm 51.000đ/cổ phần được rất nhiều NĐT đánh giá là hấp dẫn. Ông Dũng cho biết đây là mức giá được xác định trước đó khá lâu vào thời điểm thị trường không tốt như hiện tại.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng khẳng định PVFC không mong muốn giá bán quá cao: "Thị trường đang tốt, IPO sẽ thuận lợi hơn, nhưng nếu nóng quá giá có khả năng bị đẩy lên cao, gây sức ép cho DN. Quan điểm của chúng tôi là không cần giá quá cao mà chỉ cần đúng giá trị của nó".
Một trong những lợi thế của đợt IPO này NĐT cần tính đến là thặng dư sẽ được để lại cho PVFC ít nhất trong vòng 2-3 năm và dự kiến khoản vốn sẽ không hề nhỏ. Mặt khác, quy mô phát hành ra công chúng lần này của PVFC không quá lớn (11,93%) và sở hữu nhà nước vẫn chiếm 70%.
Theo lộ trình từ năm 2008 đến 2011, PVFC sẽ thực hiện bán bớt phần vốn nhà nước để hạ mức nắm giữ xuống còn 40%. Đây sẽ là cơ hội lớn cho NĐT.
Về khả năng niêm yết sau IPO, lãnh đạo PVFC và PetroVietnam đều khẳng định sẽ xúc tiến đăng ký niêm yết ngay sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, dự kiến ngay trong năm 2007.
Ông Dũng cho biết, hiện tại PVFC chưa quyết định lựa chọn sàn HN hay TPHCM. Vừa qua, PetroVietnam và Sở GDCK TPHCM ký hợp tác nhưng đó các cam kết không mang tính bắt buộc phải niêm yết.
Ngoài ra, PVFC cũng đã tính đến việc niêm yết tại nước ngoài. Về đối tác chiến lược, hiện PVFC đã tiếp xúc với khoảng 10 quỹ, tổ chức tài chính nước ngoài và đang trong quá trình đàm phán. Dự kiến sẽ có 1-2 đối tác nước ngoài được lựa chọn.