Trong đó nhiều trường hợp vay lãi suất chỉ bằng một nửa so với lãi suất thị trường…
Lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động
Từ ngày 5.12 vừa qua, các khách hàng vay vốn tại ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) được hưởng mức lãi suất chỉ còn 7%/năm, theo chương trình “Tháng vàng lãi suất dành cho các khách hàng doanh nghiệp vừa và lớn”. Như vậy, mức lãi suất cho vay vốn của OceanBank đúng bằng với trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và thấp hơn so với lãi suất huy động các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên (dao động từ 7,5 – 8,5%/năm).
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng công bố dành 2.500 tỉ đồng triển khai chương trình “tiếp cận nhanh, lãi suất thấp” cho khách hàng cá nhân là hội viên thân thiết Blue Diamond vay sản xuất kinh doanh và bổ sung vốn lưu động với lãi suất chỉ từ 8%/năm.
Một số ngân hàng còn gây sốc hơn khi tung ra các gói cho vay lãi suất chỉ... 0%, như ngân hàng Bản Việt (Viet Capitial Bank); ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank); ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank)... Mặc dù mức lãi suất 0% chỉ áp dụng trong một thời hạn nhất định, còn sau đó theo lãi suất thị trường, song các chương trình cho vay này đã cho thấy một cuộc tranh giành khách hàng vay vốn khá căng thẳng trong hệ thống ngân hàng trong dịp cuối năm.
Các chương trình cho vay ưu đãi kể trên thường được giới hạn trong khoản vốn một vài ngàn tỉ đồng – chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn tỉ đồng của các ngân hàng thương mại. Mặt khác, mức lãi suất thấp mà các ngân hàng thường nhấn mạnh khi giới thiệu đến khách hàng như của OceanBank, MaritimeBank cũng chỉ được áp dụng trong một thời hạn một vài tháng đầu, sau đó sẽ thoả thuận theo lãi suất thị trường...
Thị trường của người mua
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại, tại Hà Nội cho biết, ngân hàng vừa phải cho khách hàng lớn vay hơn 100 tỉ đồng, thời gian vay hai tuần, mức lãi suất tương ứng với lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng. “Nếu chúng tôi không chấp thuận, họ sẽ trả lại khoản vốn gần 1.000 tỉ đồng đang vay tại ngân hàng, đồng thời chuyển toàn bộ dịch vụ qua ngân hàng khác. Trong bối cảnh tín dụng tăng trầy trật, chúng tôi buộc phải chấp thuận”, tổng giám đốc ngân hàng cho biết.
Theo một chuyên gia tài chính, trong nhiều năm trước đây, thị trường vốn là thị trường của người bán. Các ngân hàng thường có lợi thế trong giao dịch với các doanh nghiệp, do vậy có điều kiện, cơ hội lấn lướt khách hàng vay vốn, thể hiện qua việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay tương đối cao. Tuy nhiên, 2 – 3 năm trở lại đây, thị trường đã chuyển dần sang lợi thế của người mua, khách hàng vay vốn thường là người ra điều kiện, nhất là những doanh nghiệp lớn.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng tại TP.HCM, xác nhận đang cho một doanh nghiệp nhà nước vay gần 100 triệu USD lãi suất chỉ xấp xỉ 2%/năm, trong khi ngân hàng đang phải huy động từ 2,5 – 3%/năm. Điều đáng lo ở chỗ, những hợp đồng vay vốn trong tình trạng cực chẳng đã như vậy lại tạo ra làn sóng dây chuyền cho không ít doanh nghiệp khác tiếp tục mặc cả, chèn ép ngân hàng. Lãnh đạo ngân hàng, chia sẻ: “Nếu so với mặt bằng lãi suất huy động, những hợp đồng như vậy chúng tôi âm lớn. Nhưng phần vì muốn giữ quan hệ lâu dài với những khách hàng lớn. Mặt khác, vốn vẫn dư dả, cho họ vay còn hơn phải đi gửi vốn trên thị trường liên ngân hàng lãi suất cũng chỉ 3 – 4%/năm”.
Làn sóng cho vay “dưới giá thành” có xu hướng lan rộng, đến mức mới đây, ngân hàng Nhà nước đã phải có văn bản chỉ đạo chi nhánh ngân hàng Nhà nước các địa phương thanh kiểm tra các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động bởi theo cơ quan quản lý, “đó là biểu hiện kinh doanh không lành mạnh về mặt tài chính, có thể tạo ra rủi ro cho chính các tổ chức tín dụng”.
Ở một góc độ khác, mỗi tổ chức tín dụng đều phải tự bảo vệ mình, chịu trách nhiệm về đường hướng, cách thức kinh doanh của mình. Việc họ chào cho vay vốn giá thấp là bình thường trong cơ chế thị trường, tương tự như rất nhiều doanh nghiệp chấp nhận giảm giá bán hàng hoá dịch vụ nhằm giải phóng hàng tồn kho, thu vốn về...