Theo như phân cấp quản lý sản phẩm rượu, có 4 cơ quan tham gia vào việc quản lý ATTP của sản phẩm này. Theo đó như giấy phép kinh doanh sản phẩm do Sở KH-ĐT cấp, giấy phép sản xuất rượu do Sở Công thương cấp, nhãn hiệu do Sở Khoa học- Công nghệ cấp, đăng ký chất lượng do Sở Y tế cấp.
Nhiều quan điểm đều đồng nhất rằng, để xảy ra vụ ngộ độc rượu đặc biệt nghiêm trọng làm 6 người ở Quảng Ninh tử vong vừa qua là do sự lỏng lẻo trong quản lý của cơ quan chức năng.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, qua kiểm tra sản phẩm rượu của DN này cho thấy, Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của Công ty 29 Hà Nội đã hết hiệu lực hơn nửa năm và không thực hiện việc kiểm nghiệm mẫu định kỳ theo quy định. Điều đó có nghĩa là mặc dù chưa được phép của cơ quan quản lý nhưng DN đã sản xuất và đưa ra thị trường bán tràn lan. Lỗ hổng đó thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước.
Chưa kể, theo báo cáo của 2 Sở Công thương, Y tế Hà Nội, hàng năm đều kiểm tra nồng độ methanol ở cơ sở sản xuất rượu nếp 29 Hà Nội nhưng không phát hiện ra nồng độ cao gấp gần 3.000 lần có thể gây chết người.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phạm Quang Nghị, điều này chứng tỏ rõ ràng là việc quản lý chưa chặt chẽ thì người ta vẫn lách, "lừa" được cơ quan kiểm tra.
Ngày 12-12-2013, theo báo cáo tổng hợp của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình đã kiểm tra, phát hiện và tiến hành thu hồi 5 loại sản phẩm của Công ty cổ phần XNK 29 Hà Nội, trong đó có 536 chai sản phẩm sản xuất ngày 12-10-2013 (lô rượu gây ra vụ ngộ độc làm 6 người tử vong ở Quảng Ninh).
Từ thực tế trên lần lại các cuộc thanh, kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội hay Sở Công thương cho thấy, cơ quan này tiến hành thanh, kiểm tra rất nhiều các DN sản xuất thực phẩm. Qua kiểm tra cũng phát hiện những lỗi "hành chính" thông thường như sản phẩm ghi nhãn mác chưa đầy đủ, cơ sở chế biến còn chưa đảm bảo vệ sinh hay công nhân chưa trang bị đầy đủ bảo hộ lao động... Tuy nhiên những cuộc kiểm tra này chưa có tính chất phát hiện, cảnh báo ATTP tới người dân. Do vậy cơ quan chức năng chỉ tiến hành vào cuộc điều tra làm rõ sự việc sau khi hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra.
Được biết, cách đây chưa lâu, vào ngày 16-10 tại Quảng Trị xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng làm gần 400 người nhập viện. Sau khi sự việc xảy ra cơ quan điều tra phát hiện cơ sở sản xuất bánh mỳ Quang Trung trên địa bàn thị trấn Khe Sanh huyện Hướng Hóa không đạt tiêu chuẩn vi sinh; các vi khuẩn Staphylococus aureus, Salmo nella hiện diện trong thực phẩm bày bán tại cơ sở sản xuất bánh mỳ cũng như trên tay của những người trực tiếp chế biến.
Điều đáng nói là đây là cơ sở sản xuất lớn trên địa bàn, hàng năm vẫn tiếp nhận các cuộc thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng nhưng vẫn không phát hiện ra bất thường.
Phát biểu tại họp báo Thành ủy Hà Nội chiều ngày 10-12, ông Phạm Quang Nghị còn đưa ra lưu ý với các cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng, cơ sở sản xuất của Công ty Cổ phẩn XNK 29 Hà Nội khi tiếp đón các đoàn thanh, kiểm tra có thể biết trước quá trình kiểm tra của lực lượng chức năng, đưa ra những chai rượu “tử tế” nên xét nghiệm mới không thấy điều gì bất thường. Còn những chai không đưa ra xét nghiệm thực chất không đạt yêu cầu.
Nếu vậy vấn đề đặt ra là các cuộc thanh, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định là bất ngờ, không báo trước, sản phẩm kiểm tra cũng là lựa chọn ngẫu nhiên, sao lại có việc cơ quan quản lý Nhà nước chỉ kiểm tra sản phẩm mà DN đưa cho. Như vậy có phải là bất hợp lý? Lẽ đương nhiên nếu chỉ kiểm tra sản phẩm đưa cho thì DN chỉ đưa những sản phẩm an toàn, đạt chất lượng. Chất lượng cuộc kiểm tra theo đó cũng chỉ bằng không với vài kết luận hành chính thông thường.
Được biết, theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế, trong 10 tháng qua, cả nước đã tổ chức gần 30.000 đoàn thanh tra, kiểm tra ở các cấp, tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 500.000 lượt cơ sở thực phẩm. Số lượng cuộc kiểm tra thì rầm rộ như vậy nhưng hiệu quả đạt được có tính chất cảnh báo với người dân chưa thấy kể đến.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 9 tháng năm 2013 cơ quan này đã tổ chức 700 đoàn thanh tra, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm, kiểm tra 115 cơ sở (32 cơ sở sản xuất, 51 cơ sở kinh doanh, 30 cơ sở dịch vụ ăn uống, 2 cơ sở thức ăn đường phố); xét nghiệm nhanh 264/311 mẫu đạt (chiếm tỷ lệ 84,9%). Đoàn liên ngành đã lấy 57 mẫu kiểm nghiệm hóa lý, vi sinh tại Labo, tất cả các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép.
Nếu nhìn vào kết quả kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội nêu trên người dân phần nào yên tâm với việc bảo đảm ATTP khi hầu hết các sản phẩm được kiểm tra đều nằm trong giới hạn cho phép.
"Chúng ta hô hào thành lập các đoàn kiểm tra nhưng đây chỉ là một động thái chứ không phải là giải pháp. Chúng ta cần có chỉ đạo căn cơ chứ kiểu đánh trận thì không hiệu quả. Các đoàn đi kiểm tra nhưng không thể làm thay địa phương mà cần làm đúng vai trò của mình", Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phát biểu tại cuộc họp giao ban về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP do Bộ này chủ trì sáng 9-12.
Từ đó có thể thấy, việc quản lý ATTP hiện còn quá nhiều "lỗ hổng" cần lấp, khi mà mỗi một cơ quan quản lý còn chưa làm tròn "vai" của mình thì người dân vẫn phải "thấp thỏm" với vấn nạn mất ATTP, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của bản thân.