 |
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã có ngày tăng điểm mạnh nhất trong một tháng qua - Ảnh: AFP.
|
Thị trường chứng khoán châu Á đã có ngày lên điểm mạnh nhất trong 1 tháng qua với biên độ tăng của nhiều thị trường đã lên trên 7%. Đây là một phản ứng tích cực sau khi loạt tin mới hỗ trợ hội tụ cho ngày giao dịch đầu tuần.
Đầu tiên là tin tức hỗ trợ từ phiên tăng điểm ấn tượng cuối tuần trước ở Phố Wall – bất chấp tình hình việc làm ở Mỹ trở nên tồi tệ trong tháng 11, cũng như hy vọng mới về khả năng được giải cứu của ngành sản xuất ôtô Mỹ.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng vừa công bố một gói kích thích kinh tế trị giá 4 tỷ USD và cắt giảm lãi suất cơ bản lần thứ ba kể từ tháng 10 đến nay.
Chỉ số MSCI của châu Á (ngoài Nhật) đã tăng tới 6,3% và trở thành ngày tăng điểm mạnh nhất kể từ 5/11 với 17 cổ phiếu tăng điểm thì mới có 1 cổ phiếu giảm điểm.
Nhờ sức tăng mạnh của cổ phiếu các hãng sản xuất máy móc xây dựng và khối các nhà xuất khẩu lớn khác, nên đã đưa chứng khoán Nhật có ngày tăng điểm với biên độ lớn, lên mức cao nhất trong 1 tuần qua.
Do có nhiều thông tin về các khoản chi tiêu mạnh về hoạt động hạ tầng của nhiều chính phủ nên đã thúc đẩy giới đầu tư mua cổ phiếu của các hãng sản xuất máy móc xây dựng. Điều này đã giúp cổ phiếu của Komatsu lên 11%, cổ phiếu của Hitachi Construction tiến thêm 11,6%.
Cổ phiếu khối xuất khẩu cũng bật mạnh, trong đó cổ phiếu Honda Motor lên 5%, cổ phiếu Canon tăng 4,9%, cổ phiếu Sony tiến thêm 5,5%
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 411,54 điểm, tương đương 5,2%, chốt ở mức 8.329,05.
Điểm qua thị trường Hàn Quốc, ngày 8/12, Ngân hàng Trung ương nước này cho biết, chỉ số giá bán của nhà sản xuất (PPI) đã giảm 2,3% trong tháng 11 – mức giảm mạnh nhất trong vòng 45 năm qua, do giá hàng hóa cơ bản như dầu, nhiều nguyên vật liệu khác giảm ở mức kỷ lục.
Giới phân tích nhận định, rất có thể chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hàn Quốc cũng sẽ giảm mạnh trong tháng này, qua đó mở đường cho Ngân hàng Trung ương có một đợt mạnh tay cắt giảm lãi suất cơ bản.
Cùng với những tác động chung của thị trường thế giới và trong nước, chỉ số KOSPI đã tăng 76,92 điểm, tương đương 7,48%, chốt ở mức 1.105,05 - trở thành một trong các chỉ số chứng khoán có biên độ tăng lớn nhất trong khu vực.
Cùng với đà tăng mạnh của thị trường Hàn Quốc, chứng khoán Hồng Kông đã có sự bứt phá ấn tượng với biên độ tăng luôn được duy trì ở mức tăng trên 7% - điều chưa từng có trong tháng gần 1 tháng nay.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Hang Seng tăng 1.198,78 điểm, tương đương 8,66%, chốt ở mức 15.044,9.
Liên quan đến Trung Quốc, tại cuộc đối thoại kinh tế cao cấp Trung Quốc – Mỹ vừa diễn ra tại đại lục, hai nước đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng liên quan đến việc mở cửa mạnh hơn về thương mại, đầu tư. Trong đó đáng chú ý là khoản tiền 20 tỷ USD được hai bên cam kết chi để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn xa hơn liên quan đến hoạt động giao thương hai nước, Chuyên gia kinh tế trưởng của JPMorgan Chase tại Trung Quốc - Frank Gong vừa đưa ra nhận định, việc không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến chính sách tỷ giá đồng Nhân dân tệ với USD sẽ khiến tác động xấu tới thị trường tài chính và nền kinh tế Trung Quốc.
Quan điểm này được đưa ra sau khi đồng Nhân dân tệ lần đầu tiên xuống mức thấp nhất so với USD trong tuần trước và thị trường vẫn tin tưởng rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện duy trì đồng Nhân dân tệ yếu để hỗ trợ xuất khẩu.
Trả lời trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 8/12, ông Frank Gong cho rằng việc duy trì đồng Nhân dân tệ yếu là một động thái sai lầm.
Ông cũng dự báo, trong 3 tháng tới, đồng Nhân dân tệ sẽ ở ngưỡng 6,8 – 7 Nhân dân tệ/ 1 USD. Trong phiên giao dịch buổi chiều ngày 8/12, 1 USD đổi được 6,8813 Nhân dân tệ.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Shanghai Composite đã có phiên tăng điểm ấn tượng theo các thị trường chứng khoán khác. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite lên 72,12 điểm, tương đương 3,57 %, chốt ở mức 2.090,77.
Cuối cùng, chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan đã tăng 4,57% và chốt ở mức 4.418,33