![]() |
Lãi suất huy động nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục giảm. Ảnh: T.A |
Các nhà băng quốc doanh như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) hôm nay bắt đầu áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn VND ở tất cả kỳ hạn từ 10 đến 11,5% một năm; Công thương VN (VietinBank) áp dụng lãi suất sàn cho các khoản vay ngắn hạn còn 12%, trung và dài hạn là 14%, cho vay ưu đãi xuất khẩu 11% một năm. Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank) cũng cho vay ưu đãi VND ngắn hạn 10,5%, lãi suất cho vay thông thường là 12,48% một năm.
Trong tình hình lãi suất cho vay một số ngân hàng giảm xuống mức 10-12% một năm, đã có nhiều dự báo cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian sắp tới nhiều khả năng sẽ trở về mức phổ biến 10-11,5% một năm, bằng với mức lãi suất tại thời điểm này năm ngoái.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các ngân hàng khối cổ phần, mức lãi suất 10-12% một năm chỉ có thể được áp dụng ở các ngân hàng khối quốc doanh. "Lãi suất đầu ra tại các ngân hàng thương mại chỉ có thể về mức trên dưới 13% một năm, nhưng phải đợi đến thời điểm đầu năm 2009", Tổng giám đốc một ngân hàng tư tại TP HCM cho hay.
Với đợt điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước lần gần đây nhất áp dụng từ 5/12, các ngân hàng cổ phần ít có động thái giảm lãi suất cho vay. Tại Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank), mức lãi suất thấp nhất 14,4% một năm chỉ được áp dụng cho đối tượng khách hàng thân thiết, có thẻ VIP của nhà băng nhờ đáp ứng được điều kiện doanh số vay trong năm. Riêng với đối tượng khách hàng mới, lãi suất cho vay được áp dụng ở mức trần 15% một năm.
Hiện tại, đại diện Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB Bank) cho biết vẫn chưa có khách hàng nào được vay với mức lãi suất dưới trần 15% một năm, dù là khách làm hợp đồng vay mới hay khách cũ.
Ngân hàng An Bình (ABBANK) là một trong những nhà băng cổ phần đầu tiên quyết định giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân. Nhưng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh (YOUshop) của ABBANK cũng ở mức 14,5% một năm, cho vay bổ sung vốn lưu động (YOUshop-plus) 14% một năm.
Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP HCM cho rằng: "Một số ngân hàng thương mại vừa qua càng đua nóng lãi suất đầu vào thì nay càng bị vướng vào biểu đồ lãi suất, rất khó để điều chỉnh giảm mạnh lãi suất cho vay". Tuy nhiên, theo ông Hạnh, trong thời gian ngắn nhất, các nhà băng cần cân đối để đưa ra mức lãi suất huy động và lãi cho vay vừa đảm bảo phù hợp với khả năng của mình, đồng thời cạnh tranh thu hút khách hàng vay vốn.
Hiện tại, các ngân hàng mới chỉ tính đến việc giảm lãi suất đầu vào. Từ nguồn vốn huy động mới này để có cơ sở tính đến giảm lãi suất đầu ra. Một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động như Sacombank: giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3-10 tháng xuống mức 9,54-9,984% một năm, thấp nhất là 8,4% một năm cho tiền gửi kỳ hạn một tháng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) áp dụng lãi suất huy động VND kỳ hạn 3-4 tháng là 12,3%, 5 tháng chỉ còn 12% một năm. Tại Ngân hàng Á Châu (ACB), khách hàng gửi dưới 100 triệu đồng kỳ hạn 3 tháng lãi suất còn 9,45%, 6 tháng lãi 9,75% một năm. Lãi suất huy động USD tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) cao nhất hiện nay là 5,2% một năm đối với kỳ hạn 12 tháng.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), lãi suất huy động VND cũng giảm 0,9-2,6% một năm, kỳ hạn một tháng lãi suất 10% một năm, 2 tháng 10,4%, 6-8 tháng 10,3%, 12 tháng 10,9%, 24 tháng 8,9% một năm. Tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn áp lãi 3,6% một năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng áp dụng cho sản phẩm tiết kiệm linh hoạt lãi suất tại OCB hiện xuống còn 9% một năm.