![]() |
Trong một phiên tất cả các cổ phiếu lớn đều cùng một hướng, như xu thế trên 90% mã tăng giá hôm nay, VN-Index bứt phá mạnh mẽ, lên 377,83 điểm, tăng 16,39 điểm (4,53%) - Ảnh: Việt Tuấn. |
Nếu ở phiên trước, giới đầu tư thận trọng đón nhận những tác động và phản ứng đầu tiên trước loạt chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước, thì phiên này là sự bùng nổ dứt khoát, thẳng tiến đến hết giờ giao dịch.
Nhưng điều chỉnh trong chính sách tiền tệ vẫn là tâm điểm chú ý của giới đầu tư, cũng là một yếu tố chuyển nhiệt vào sàn. Doanh nghiệp sẽ được tiếp cận vốn vay rẻ hơn, thêm nguồn vốn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh… Và chính các ngân hàng là các đối tượng trực tiếp hưởng lợi từ những chính sách đó.
Đặt trong tác động trên, cổ phiếu STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cũng như ACB của Ngân hàng Á châu (ACB) trên sàn Hà Nội trở thành một trong những tiêu điểm chú ý của phiên.
Qua chuỗi hồi phục vừa qua, STB – một trong những cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất trên sàn đã tăng hơn 20% nhưng lực cầu vẫn tiếp tục lớn và giao dịch tạo một điểm nóng cục bộ trên sàn. Phiên hôm qua, cổ phiếu này có gần 4 triệu đơn vị giao dịch thành công, phiên này giảm còn gần 2,6 triệu đơn vị và nằm trong hướng kìm bán ra, dư bán trống hoàn toàn; giá tiếp tục tăng kịch trần.
Có thể giải thích điểm nóng cục bộ này từ triển vọng kinh doanh khả quan hơn trong quý 4 này. Cũng như nhiều ngân hàng khác, Sacombank đang hưởng thuận lợi từ chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước, từ lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc được trả gấp đôi, một nguồn vốn lớn được trả lại theo tỷ lệ dự trữ bắt buộc mới (ước tính khoảng 550 – 600 tỷ đồng), cùng lượng tín phiếu thanh toán trước hạn…
Một thông tin đáng chú ý là từ ngày 4/11, Sacombank bắt đầu kế hoạch mua vào cổ phiếu quỹ với khối lượng lớn, 25 triệu cổ phiếu, mở đầu kế hoạch mua lại 10% cổ phần phổ thông đã phát hành.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), sức nóng của STB đã lan tỏa, góp phần củng cố tâm lý nhà đầu tư, thúc đẩy họ tích cực mua vào, đặc biệt trong phiên hôm qua (4/11).
Ngoài STB, những tên tuổi lớn khác đều đồng loạt tăng giá hết khả năng để thúc VN-Index vọt lên với tỷ lệ trên 4,5% phiên này. Trong đó, tân bình PVF tiếp tục có ảnh hưởng, nhưng không phải là sự níu kéo như trước đó mà đã có phiên tăng giá trần đầu tiên, đồng thuận với xu hướng chung.
Và vẫn quen thuộc và có hướng bền bỉ là FPT, liên tiếp những phiên tăng giá trần, đang lấy lại những mức giá đã mất kể từ “thời” VN-Index trên 500 điểm. DPM hay HPG tiếp tục gạt sự đè nén bán ra của khối ngoại để cùng lên giá trần. VIC cũng đã để lại sau lưng những phiên giảm nhẹ hoặc trụ ở giá tham chiếu để tăng giá mạnh. VNM, VPL, PVD, ngoài sức vươn tối đa còn là chủ sở hữu của những mức tăng mạnh nhất trên sàn về giá trị tuyệt đối…
Trong một phiên tất cả các cổ phiếu lớn đều cùng một hướng, như xu thế trên 90% mã tăng giá hôm nay, VN-Index bứt phá mạnh mẽ, lên 377,83 điểm, tăng 16,39 điểm (4,53%). Trên sàn chỉ còn lại 4 mã ở giá tham chiếu và 7 mã giảm.
Khối lượng giao dịch hôm nay chỉ đạt gần 16,3 triệu đơn vị với giá trị 488,7 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả của dấu hiệu kìm bán ra ở phiên này.
Giao dịch bán ra của khối ngoại cũng chùng xuống với 2.138.320 đơn vị, trị giá hơn 88 tỷ đồng; và họ mua vào 1.625.230 đơn vị, trị giá gần 97 tỷ đồng. Như vậy, về giá trị, sau chuỗi miệt mài bán ròng suốt tháng 10 vừa qua, phiên này nhà đầu tư nước ngoài chính thức đánh dấu sự vượt lên của giá trị mua vào.
Ngoài yếu tố tác động từ chính sách tiền tệ, sự bứt phá trên cũng có tác động thuận lợi nhất định từ diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là ngày tăng điểm mạnh của chứng khoán Mỹ.
Trên sàn Hà Nội, cổ phiếu cũng đồng loạt tăng giá ấn tượng. Trên 90% cổ phiếu tại đây cùng chung một hướng phục hồi mạnh, phần lớn đạt giá trần. Tính chung có tới 146 mã tăng giá, 1 mã không có giao dịch và chỉ còn 8 mã giảm.
Hầu hết các cổ phiếu lớn đều nỗ lực đẩy HASTC-Index leo dốc, trong đó cổ phiếu ngân hàng ACB cũng là một tâm điểm tăng giá và giao dịch mạnh. Chỉ số HASTC-Index hiện đã lên 125,23 điểm, tăng 6,59 điểm (5,55%). Khối lượng giao dịch cũng tăng lên 9,2 triệu cổ phiếu với 256,4 tỷ đồng giá trị.