Lý do tăng giá điện chưa thuyết phục

Giá điện năm 2009 đang được đề xuất tăng

ĐB Trần Du Lịch, Tiến sỹ, Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM: Cần xem lại cơ chế hạch toán:

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về đề xuất khen thưởng hơn 1.000 tỉ đồng của ngành điện, trong khi ngành này luôn kêu lỗ?

Tôi cho rằng vấn đề gốc hiện nay là cần phải xem lại cơ chế hạch toán giá thành, tính đúng tính đủ thế nào, sử dụng đồng vốn và hiệu quả kinh doanh ra sao, đặc biệt là những ngành vừa độc quyền bán, vừa độc quyền mua như ngành điện cần cơ chế hạch toán đặc biệt. Từ kết quả hạch toán đó thì mới có thể tính toán được. Tôi ủng hộ nếu hạch toán đúng rồi thì những người làm tốt vẫn được khen thưởng, vẫn được tất cả mọi thứ.

Vậy đề xuất tăng giá điện trong năm tới thì sao, thưa ông?

ĐB Trần Du Lịch

Bây giờ muốn tăng giá hay không thì phải xem lại giá thành, có thực sự lỗ không, lỗ cỡ nào, ai bù....Ngành điện độc quyền bán, độc quyền mua nên chỉ sau khi hạch toán cụ thể về giá thành mới bàn tới việc tăng giá.

Có ý kiến cho rằng ngành điện có thể lỗ thực, nhưng nguyên nhân lỗ lại chủ yếu do năng lực quản lý và kinh doanh kém chứ không phải giá thành sản xuất cao...

Chính cơ chế hạch toán sẽ đánh giá được hiệu quả kinh doanh của ngành điện. Nếu ngành này thu lượm người vô tội vạ, hoặc rất đơn giản như không sử dụng tốt quỹ tiền mặt (giả sử tiền trong két nhưng vẫn đi vay) sẽ gây tăng giá thành...

Một số ý kiến cho rằng giá điện ở nước ta hiện đang thấp hơn một số nước trong khu vực và khi vào cơ chế thị trường thì phải ngang bằng ?

Tôi cho rằng cần tham khảo giá quốc tế. Nhưng "anh" quên một điều rằng chi phí đầu vào của Việt Nam rất thấp, bao gồm chi phí tiền lương và nhiều chi phí khác, sức mua của đồng tiền của Việt Nam khác với nước khác nên không thể đánh đồng.

ĐB Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, Tây Ninh: Giá điện rẻ mới hợp lý

Tôi thích người dân và ngành điện sòng phẳng với nhau. Nếu thực sự giá bán dưới giá thành thì tôi ủng hộ việc tăng giá, còn đối tượng nào cần hỗ trợ thì Nhà nước hỗ trợ theo kiểu khác chứ không để tình trạng nửa bao cấp như hiện nay...Tuy nhiên, lý do tăng giá điện đã hợp lý chưa?

ĐB Nguyễn Đình Xuân

Về lý do giá điện chúng ta thấp hơn các nước trong khu vực: Thấp hơn là tốt chứ sao ? Dân chúng ta còn nghèo, nước chúng ta có thuỷ điện. Singapore làm gì có thuỷ điện để có giá thấp như chúng ta. Mà thuỷ điện này đâu phải do ngành điện tạo ra. Chúng ta phải hy sinh một nguồn lợi lớn về đất đai, tài nguyên để có được thuỷ điện, và đó là phúc lợi của nhân dân nên nhân dân được hưởng giá điện rẻ là bình thường, hợp lý. Chúng ta có thuỷ điện, có than đá, có ga...nên giá điện của chúng ta đắt hơn là chuyện lạ, bất hợp lý.

Thứ hai, theo thông tin báo chí, ba năm nay ngành điện không lỗ. Mà không lỗ thì không được tăng giá. Còn việc tăng giá để lấy tiền đầu tư thì không thuyết phục và chẳng ngành nào làm vậy. Có ai yêu cầu khách hàng trả tiền đầu tư trước bao giờ. Họ phải đầu tư trước, sau đó lấy nguồn thu từ khách hàng để bù đắp khấu hao, chi phí, tái đầu tư...

Ngay cả lý do vì giá điện thấp nên các công ty nước ngoài không đầu tư cũng không đúng. Giá điện thấp gồm chia sẻ giữa nhiệt điện và thuỷ điện. Thuỷ điện thấp nhưng nhiệt điện vẫn cao chứ. Chẳng qua cơ chế của chúng ta làm họ chưa yên tâm: họ sản xuất ra điện nhưng ta có mua hay không lại là do chúng ta, nếu giá cao chúng ta thà cắt điện chứ không mua...Nếu chúng ta làm lại bài toán về kinh doanh và giá thì vấn đề sẽ khác.

Tôi cho rằng cơ chế hiện nay không có sự cạnh tranh thì không có động lực nào giảm giá thành, giảm thất thoát điện năng hay giữ uy tín với khách hàng. Vì thế nếu ta tạo môi trường cạnh tranh hơn thì họ buộc phải giảm giá thành mà lĩnh vực bưu chính viễn thông là một ví dụ điển hình.

Ngoài ra, cho dù giá điện của chúng ta hiện đang rẻ hơn nước khác một chút nhưng tính cả những thiệt hại do cắt điện gây ra cho sản xuất, sinh hoạt thì lại rất đắt.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây