Theo nghiên cứu của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc, nền kinh tế của nước này được mong đợi sẽ tăng trưởng với tốc độ 11,6% trong năm nay, vượt qua mức dự đoán của ngân hàng này hồi tháng sáu vừa qua là 10,8%.
Điểm sáng Trung Quốc
Chứng khoán Trung Quốc leo lên đỉnh cao kỷ lục và được đánh giá là có bước chuyển mạnh nhất trên thị trường thế giới. Hôm 28/9, chỉ số CSI 300 đã tăng đến mức cao kỷ lục, sau khi thị trường đón nhận một báo cáo cho biết ngân hàng trung ương đã nâng mức dự báo tăng trưởng năm nay. Shanghai Composite Index tăng 2,6%, lên mức 5.552,30 điểm. Shenzhen Composite Index cũng lên đến mức 1.532,67 điểm, tăng 2,7%.
Leo dốc ấn tượng nhất là CSI 300 với 153,16 điểm tăng thêm (2,8%), đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng ở mức 5.580,81 điểm. Đây là mức dao động mạnh nhất trong các thị trường vốn thế giới. Hơn 90 thành viên tham gia vào chỉ số này đều tăng giá. Tính từ cuối tháng sáu, chỉ số này đã tăng được 48%, kết thúc một quý tốt đẹp nhất kể từ ngày ra mắt tháng 4/2005. Bloomberg cũng đánh giá CSI là chỉ số hoạt động tốt nhất trong 89 chỉ số chứng khoán toàn cầu.
Cục Thống kê Trung Quốc vừa công bố hôm 27/9, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc tăng 37%, đạt 6 nghìn tỷ RMB (213 tỷ USD) trong tám tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế đã tăng 11,9% trong quý II, tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong hơn 12 năm.
Theo Zhang Shuntai, chuyên viên quản lý quỹ tại công ty quản lý quỹ Zhonghai, Thượng Hải: “Nhiều ý kiến mong đợi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh sẽ đẩy mạnh mức doanh thu của doanh nghiệp. Điều này sẽ là động lực kéo các nhà đầu tư vào thị trường vốn”.
ICBC, ông chủ cho vay lớn nhất đất nước, thêm 0,03 RMB (0,5%), đạt 6,61 RMB. Tập đoàn ngân hàng Minsheng, tăng 0,73 RMB (4,8%), lên mức 15,81 RMB. China Vanke, ông chủ bất động sản số một, leo thêm 0,95 RMB (3,3%), đạt 30,20 RMB.
Chứng khoán Hồng Kông thể hiện mức tăng điểm lớn nhất kể từ cuộc bùng nổ “dotcom” năm 1999. Ngày giao dịch cuối cùng của tháng chín, Hang Seng đóng cửa ở mức kỷ lục 27.142,47 điểm và giá trị thị trường của các cổ phiếu lần đầu tiên vượt qua con số 20 nghìn tỷ HK$.
Mức tăng trưởng 25% kể từ tháng sáu vừa qua của phong vũ biểu này được đánh giá là mức lên điểm cao nhất kể từ quý 4 năm 1999, thời điểm có sự nổi dậy của các cổ phiếu công nghệ Mỹ và nỗ lực của các công ty Trung Quốc trong việc giới thiệu các dịch vụ trực tuyến đã giúp đẩy chỉ số này lên 33%.
Trong một báo cáo công bố hôm 18/9, Adrian Mowat, nhà chiến lược châu Á của JPMorgan Chase & Co. cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc có thể sẽ “rót phễu” 100 tỷ USD vào thị trường Hồng Kông trong 12 tháng nữa. William Liu, Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc của CLSA dự báo con số này là 45 tỷ USD trong sáu tháng nữa.
Thị trường Mỹ, Nhật đi xuống
Nikkei 225 của Nhật Bản giảm khi có dấu hiệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đang loạng choạng sau khi tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn dự kiến và giá cả tiêu dùng giảm liên tiếp trong bảy tháng.
Hiroyoshi Nakagawa, chuyên viên quản lý quỹ của Societe Generate Asset Management Co. nhận xét: “Những triển vọng về nguyên tắc không làm hài lòng các công ty trong nước, khi cơ hội tăng trưởng của họ trông có vẻ ốm yếu”.
Ngày 28/9, các chỉ số chính dao động giữa được và mất. Nikkei 225 mất 46,53 điểm (0,3%), xuống mức 16.785,69 điểm, sau khi tăng đến 0,6% và thay đổi chiều hướng liên tục 18 lần. Topix thêm 1,5 điểm (0,1%), đạt 1.616,62 điểm. Tại thị trường chứng khoán Tokyo, số mã cổ phiếu giảm đánh bạt số cổ phiếu tăng với tỷ lệ 881/720.
Xét cả tuần, Nikkei đã tăng 2,9%, Topix thêm 4,2%. Tính chung cả quý 3, Topix đã giảm mất 8,9%, mức kém nhất trong 5 năm qua.
Chứng khoán Mỹ xuống dốc khi có quan ngại rằng thị trường tín dụng có thể sẽ tồi tệ hơn khi nhiều chứng khoán cho vay thế chấp có thể bị mất trắng.
Standard & Poor 500 mất 4,63 điểm (0,3%), xuống ở mức 1.526,75 điểm, đây là mức giảm đầu tiên trong ba ngày gần đây. Dow Jones mất 17,31 điểm (0,1%), xuống ở mức 13.895,63 điểm. Nasdaq trượt 8,09 điểm (0,3%), còn ở mức 2.701,5 điểm. Tuy nhiên, tính cả tuần qua, S&P 500 đã tăng 0,1%. Dow thêm 0,6% và Nasdaq thêm 1,1%.
Brian Barish, chuyên viên quản lý quỹ của Cambiar Investors LLC ở Denver nhận xét, vấn đề của thị trường tín dụng không hề nhỏ, những rắc rối đáng kể này sẽ kéo lùi nền kinh tế.
Xét trong cả quý 3, S&P 500 đã tăng 1,6%, tăng trưởng liên tục năm quý, xu thế đi lên dài nhất kể từ tháng sáu 2004. Và tính chung cả tháng chín, chỉ số này đã lên được 3,6% nhờ động thái cắt 0,5% giảm lãi suất của Fed hồi tuần trước. Theo Stock Traders Almanac, các chứng khoán thường hay suy yếu trong tháng 9. Từ năm 1950, mức giảm trung bình của chứng khoán trong tháng này là 0,7%.
Russell 2000, chỉ số biểu thị của các công ty có giá trị thị trường dao động ở mức 647 triệu USD, giảm 1,1%, còn 805,45 điểm. Dow Jones Wilshire 5000, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ mất 0,3%, xuống ở mức 15.362,02 điểm.