Ông Jang Song-thaek và bà Kim Kyong-hui được cho là đã sống ly thân nhiều năm. Một số nguồn tin cho rằng có thể bà bị buộc phải ly dị chồng để “giữ mình” trong các cuộc thanh trừng, ông Hong Hyun-ik thuộc Viện Sejong (Hàn Quốc) nói.
Sau khi ông Jang bị tuyên án tử hình, tên của bà Kim Kyong-hui vẫn xuất hiện trên danh sách Ủy ban tang lễ nhà nước đối với một quan chức cấp cao, cho thấy bà vẫn ủng hộ cháu trai.
“Tính hợp pháp trong hoạt động cầm quyền của Kim Jong-un dựa trên quan hệ huyết thống. Kim Kyong-hui đóng vai trò bảo vệ tính hợp pháp ấy nên vai trò của Kim Jong-un sẽ bị tổn hại nhiều nếu bà cô ruột cũng bị thanh trừng. Điều này sẽ phản tác dụng” - chuyên gia Lee Seung-yeol thuộc Viện Nghiên cứu Thống nhất Ewha ở Seoul cho biết.
Bà Kim Kyong-hui vắng bóng khá lâu. Ngay cả trong phiên họp Bộ Chính trị mở rộng và bắt giữ Jang Song-thaek đã không thấy sự hiện diện của bà, mặc dù bà là ủy viên chính thức Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và người cô Ảnh: AP
Nhận định về vụ Jang Song-thaek, ông Yun Yong-sok - quan chức của Ủy ban Phát triển kinh tế Triều Tiên - cho rằng không nên xem đây là tín hiệu thay đổi trong chính sách kinh tế và nỗ lực thu hút đầu tư của Triều Tiên.
Một quan chức cấp cao Bình Nhưỡng khác cho biết Triều Tiên cam kết tiếp tục mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài mặc dù đây chính là di sản của ông Jang Song-thaek. Ông Yun Yong-sok nói rằng họ sẽ đẩy mạnh một kế hoạch đầy tham vọng để phát triển các đặc khu kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Jang Song-thaek là kiến trúc sư của các đặc khu kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Triều Tiên.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận định nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã quá hấp tấp và tàn nhẫn khi quyết định xử tử ông Jang Song Thaek. Phát biểu trong chương trình This Week của đài ABC hôm 15-12, Ngoại trưởng Kerry cho rằng hành động tử hình ông Jang là lý do để Trung Quốc, Mỹ và các nước khác hợp tác cùng nhau để giới hạn sự phát triển của chương trình hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi.