Jang Sung Thaek – người chú ruột và là “cánh tay phải” của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un – không phải là người xa lạ với những bực bội của lãnh đạo Triều Tiên. Có thể nói rằng ông Jang không được lòng cả ba thế hệ lãnh đạo nước này. Năm 1978, Jang Song Thaek cũng đã bị thanh trừng, phải tới một nhà máy thép và “lao động cải tạo” trong 2 năm. Năm 2003, ông Jang cũng đột ngột biến mất với tin đồn đã bị thanh trừng và phải đi cải tạo. Tuy nhiên, một lần nữa, ông Jang đã quay trở lại.
Dẫu vậy, lần này đã khác. Ngày 12/12 vừa qua, hãng tin KCNA chính thức thông báo ông Jang đã bị hành quyết.
Sự kiện này phá vỡ kết luận đã được Andrei Lankov – chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên - đặt ra từ lâu nay: lãnh đạo Triều Tiên sẽ không sát hại những người họ hàng thân thiết. Câu chuyện ông Jang bị thanh trừng được đăng tải trên trang nhất của tờ Rodong Sinmun (cơ quan ngôn luận chính thức của Ủy ban Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên) với những lời lẽ buộc tội đanh thép. Đây là điều trái ngược hoàn toàn với những vụ thanh trừng âm thầm và lặng lẽ trước đó. Từ xưa đến nay, mọi động thái của Triều tiên đều nhằm mục đích thể hiện tinh thần đoàn kết. Theo John Delury – chuyên gia đến từ ĐH Yonsei ở Seoul, để lộ tình trạng chia rẽ bè phái sâu sắc trong hàng ngũ lãnh đạo là điều đặc biệt khác thường.
Nhiều người nhận định công bố rõ ràng về mức độ tồi tệ của một quan chức quá thân thiết với nhà lãnh đạo cấp cao nhất là điều không khôn ngoan. Tuy nhiên, động thái này cũng cho thấy việc ông Jang bị xử tử là điều không thể tránh khỏi. Theo Jong Chang-hyun – chuyên gia đến từ ĐH Kookmin, thông điệp được đưa ra là những kẻ tham nhũng sẽ bị trừng trị thích đáng, kể cả khi đó là họ hàng của lãnh đạo.
Vụ xử tử ông Jang được công bố rộng rãi cũng là một điều ngạc nhiên bởi nhiều lý do khác. Ông Jang bị bắt ngay trong cuộc họp của Đảng, điều mà cố lãnh đạo Kim Jong Il rất hiếm khi làm. Thậm chí, trên báo chí Trung Quốc còn xuất hiện tin đồn ông Jang có quan hệ bất chính với vợ của nhà lãnh đạo Kim Jong Un - ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của đệ nhất phu nhân Triều Tiên và cả của Kim Jong Un. Một điều bất thường khác là tin tức được đưa ra trên thế giới (thông qua KCNA) trước tiên thay vì qua truyền thông trong nước. Thông thường, các vụ thanh trừng sẽ được thông báo chính thức vài tuần (hoặc vài tháng) sau đó.
Một số người cũng cho rằng đây là thông điệp mà Triều Tiên muốn gửi đến thế giới bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Ông Jang được đánh giá là nhân tố quan trọng thúc đẩy cải cách “theo kiểu Trung Quốc” ở Triều Tiên và đã có nhiều lần đến thăm Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ Trung – Triều vẫn không được êm ấm. Chuyến thăm của ông Jang tới Trung Quốc hồi tháng 8 năm ngoái được coi là một sự thất bại. Ông tham gia mạnh mẽ vào việc xây dựng các đặc khu kinh tế dọc theo biên giới với Trung Quốc, nhưng tiến độ của các dự án này hết sức chậm chạp.
Thêm vào đó, không có chữ nào trong bản cáo trạng cho thấy ông Jang bị thanh trừng là một thử nghiệm để Triều Tiên mở cửa nền kinh tế. Ngược lại, ông Jang bị buộc tội chống lại chế độ. Bản cáo trạng có đầy đủ lý lẽ buộc tội ông Jang đã lợi dụng vị thế của mình để kiểm soát nguồn tài nguyên và tiền bạc của đất nước. Theo đó, Jang đã “bán tháo nguồn tài nguyên quý giá của đất nước với giá rẻ mạt” và “phung phí ngoại tệ vào casino”. Chính những cáo buộc này thể hiện Jang Song Thaek nắm trong tay rất nhiều quyền lực.
Trong khi đó, Jong Chang-hyun không cho rằng ông Jang bị thanh trừng là tín hiệu phản đối Trung Quốc. Thay vào đó, vụ việc còn thúc đẩy các cải cách trong nội bộ Triều Tiên, trong đó có việc mở rộng các đặc khu kinh tế và sắp xếp lại hệ thống quản lý nền tài chính quốc gia. Ngay sau khi ông Jang bị bắt, tờ báo hàn Quốc Joongang Daily đưa tin Triều Tiên vừa ký thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc xây dựng khu công nghiệp ở tỉnh Hamkyung. Đây là khu vực được thiết kế để trở thành một “Keasong thứ hai” ở Triều Tiên, hoạt động dựa trên nguồn vốn của Trung Quốc và nhân công của Triều Tiên.