Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/10, chỉ số VN-Index tăng 12,49 điểm (tương đương tăng 1,15%) lên 1.097,36 điểm. (Ảnh: LAD) |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/10, chỉ số VN-Index tăng 12,49 điểm (tương đương tăng 1,15%) lên 1.097,36 điểm.
Trong số 118 cổ phiếu niêm yết trên sàn (thêm 1 cổ phiếu mới niêm yết là VTO), 64 mã tăng giá, 32 mã giảm giá và 22 mã đứng giá. Trong 2 chứng chỉ quỹ, BF1 tăng 100 đồng lên 12.000 đồng/ccq, còn VF1 tăng 300 đồng (tương đương tăng 0,9%) lên 33.500 đồng/ccq.
Tổng khối lượng giao dịch (cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ) trong toàn phiên đạt gần 14,2 triệu đơn vị, trị giá 1.222 tỷ đồng, trong đó riêng cổ phiếu đạt hơn 13,2 triệu đơn vị.
Sự gia tăng điểm mạnh mẽ của chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch sáng nay là nhờ rất nhiều cổ phiếu chủ chốt tăng giá, điển hình như STB, FPT, CII, VNE, BMP, KDC, REE, HRC, VNM, IFS, ITA, PVD, SJS…
Cổ phiếu STB của đại gia Ngân hàng Sacombank có phiên tăng điểm mạnh thứ 2 liên tiếp, với mức tăng 3.000 đồng (tương đương tăng 4,23%) lên 74.000 đồng - mức giá cao nhất trong gần 4 tháng qua, với hơn 3,37 triệu cổ phần được chuyển nhượng. Ngân hàng này vừa công bố kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm với lợi nhuận đạt 1.006 tỷ đồng, tăng 143% so với cùng kỳ năm trước.
Cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đà tăng giá có hơn 1 tuần nay với mức tăng 1.500 đồng (2%) lên 77.000 đồng/cp.
Ngoài STB và CII, rất nhiều cổ phiếu blue-chips sau vài phiên chựng lại hoặc giảm nhẹ đã bắt đầu tăng giá.
Trong khi đó, cổ phiếu FPT có cú quay đầu bứt phá ngoạn mục sau khi liên tiếp giảm trong 3 phiên trước đó (ngày 8/10 FPT giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức 20%). Kết thúc phiên giao dịch sáng 9/10, cổ phiếu FPT tăng vọt 13.000 đồng lên mức giá kịch trần là 287.000 đồng, với 273.910 cổ phần được chuyển nhượng. Trong đợt 1, cổ phiếu này tăng 2.000 đồng; đợt 2 tăng 8.000 đồng.
Các cổ phiếu VNE, BMP, KDC, REE, HRC, VNM, IFS, ITA… sau vài phiên chựng lại hoặc giảm nhẹ đã tăng giá trở lại, nhưng mức tăng không nhiều.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VIC của Vincom đã quay đầu giảm 9.000 đồng xuống mức giá sàn 184.000 đồng, với 527.100 cổ phần được chuyển nhượng. Cổ phiếu đã tăng 1 mạch từ ngày chào sàn 19/9 ở mức 125.000 đồng lên 193.000 đồng trong 2 phiên vừa qua.
Cổ phiếu PET của Công ty Cổ phần Dịch vụ - Du lịch Dầu khí (Petrosetco) có phiên giảm giá thứ 3 liên tiếp. Cổ phiếu này giảm 4.500 đồng xuống mức giá sàn 90.000 đồng/cp, với 275.630 cổ phần được chuyển nhượng. Kết thúc phiên giao dịch, không còn dư mua cổ phiếu PET, trong khi dư bán ở mức giá trần còn rất lớn, tới 275.630 cổ phần. Cổ phiếu đã có một chuỗi ngày tăng giá kỷ lục từ 58.000 đồng vào ngày lên sàn 12/9 lên 104.000 đồng vào ngày 4/10.
Sáng nay (9/10), cổ phiếu VTO của CTCP Vận tải xăng dầu Vitaco chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM. Giống như các cổ phiếu mới lên sàn gần đây, cổ phiếu VTO được săn lùng ráo riết, với lượng dư mua rất lớn, gần 2,3 triệu đơn vị ở mức giá trần, trong khi không có 1 lệnh dư bán.
Cổ phiếu VTO tăng lên mức giá kịch trần 90.000 đồng (so với giá dự kiến 75.000 đồng/cp), với vỏn vẹn 1.000 cổ phần được chuyển nhượng thông qua khớp lệnh.
Dường như được hưởng “hơi” từ cổ phiếu mới lên sàn VTO, cổ phiếu cùng ngành xăng dầu VIP (Vận tải xăng dầu VIPCO) tăng 4.000 đồng lên mức giá kịch trần là 93.000 đồng, với 591.860 cổ phần được nhượng.
Cổ phiếu mới lên sàn ngày 8/10 HDC của Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco) tiếp tục tăng kịch trần (+5%) lên 88.000 đồng với vỏn vẹn 1.900 cổ phần được chuyển nhượng. Giống như hôm qua, lượng dư mua cổ phiếu HDC ở mức rất cao, gần 1,6 triệu đơn vị, trong khi không có một lệnh dư bán.
Không khí trên các sàn giao dịch của nhiều công ty chứng khoán tại Hà Nội vẫn rất sôi động. Nhiều nhà đầu tư cho biết họ tin tưởng TTCK sẽ còn sôi động hơn nữa trong thời gian tới.