Ngân hàng chạy đua hút khách hàng

Ngân hàng Phương Nam mới đây giảm lãi suất cho vay đối với tất cả sản phẩm từ 0,05%/tháng đến gần 0,2%/tháng. Các hình thức vay khác như vay du học nước ngoài, mua nhà... đều giảm thêm 0,02%-0,15%/tháng so với mức thông thường.  

Quỹ đầu tư Sociéte Génerale Viet Finance (SGVF), Pháp, mở ra dịch vụ cho vay tín dụng trong vòng 10 phút. Theo đó, khách hàng được vay 3-200 triệu đồng để mua sắm xe máy, hàng điện tử, gia dụng, nội thất... tại những cửa hàng là đối tác của SGVF. Người có nhu cầu chỉ cần có thu nhập tối thiểu 2 triệu đồng/tháng và không cần thế chấp, trả góp khoản nợ trong vòng 6 tháng đến 3 năm.

Một trong những điều ngân hàng lo lắng khi phát triển bán lẻ là quản lý rủi ro. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) thì tung ra sản phẩm dành riêng cho phụ nữ vay vốn để tiêu dùng. Khách hàng nữ chỉ cần có kinh nghiệm công tác 2 năm và thu nhập tối thiểu 3 triệu đồng. Ngân hàng này cho phép khách hàng vay tới 200 triệu đồng trong vòng 3 năm, mà không cần tài sản đảm bảo và được chọn phương thức trả lãi. Hiện hầu như ngân hàng nào cũng có các sản phẩm cho vay mua - sửa chữa nhà, mua ôtô, đi du học hay tiêu dùng với mức lãi suất hấp dẫn.  

Các ngân hàng thương mại chung nhận định, mảng dịch vụ khách hàng cá nhân đang là mảnh đất màu mỡ để khai phá. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank, khẳng định, ngân hàng này sẽ mở rộng hệ thống bán lẻ và thu hút thêm 1 triệu khách hàng trong một năm tới. Hiện khách hàng cá nhân chiếm 25-27% toàn bộ hoạt động của ngân hàng này. Trong khi đó, theo kế hoạch, Techcombank sẽ phải đưa tỷ lệ này lên 40-45% trong 2 năm tới.

Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank) hiện cũng có trên 20 sản phẩm dành cho người tiêu dùng cá nhân. Theo kế hoạch, ngân hàng này sẽ nâng tỷ lệ các sản phẩm phục vụ khách hàng cá nhân lên trên 30% toàn bộ hoạt động. 

Một lý do các ngân hàng tập trung thu hút nhiều khách hàng cá nhân là do lượng khách hàng doanh nghiệp không còn dồi dào như trước. Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng CP thương mại ngoài quốc doanh (VPBank), xác nhận, các công ty cổ phần có thể huy động nhiều vốn từ thị trường chứng khoán, nên đối tượng khách hàng này của các ngân hàng phần nào giảm đi. Vì thế, thị trường bán lẻ dành cho các ngân hàng sẽ càng phát triển mạnh.

Tuy nhiên, một lãnh đạo ngân hàng cổ phần cho hay, hiện chỉ khoảng 30% sản phẩm phục vụ khách hàng cá nhân tung ra có thể "sống khỏe", số còn lại đều không hấp dẫn được khách hàng như nhà băng mong đợi.

Theo ông Lê Đắc Sơn, khó nhất hiện nay là xây dựng được nền tảng về công nghệ và trình độ của nhân viên. "Đến khi xây dựng được quy trình công nghệ tốt thì mỗi tháng ngân hàng có thể tung ra một sản phẩm bán lẻ", ông Sơn khẳng định.

Lượng khách hàng cá nhân lớn, lưu lượng công việc qua các hệ thống ngân hàng tăng lên, khiến các nhà băng phải tính đến hệ thống phầm mềm sao cho đáp ứng được hoạt động. Nhiều ngân hàng vì thế phải đầu tư lớn khi mở rộng hệ thống phục vụ khách hàng cá nhân.

Ngoài yếu tố kỹ thuật này, các ngân hàng cũng phải lo đến quy trình đưa ra được một sản phẩm mới. Hiện hầu hết ngân hàng sử dụng giải pháp của nước ngoài khi nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm mới. Techcombank liên kết với HSBC, còn VPBank liên kết với một ngân hàng Thái Lan để đưa ra các giải pháp quản lý hệ thống, chứ chưa xây dựng được quy trình riêng.  

Một vấn đề khác khiến các nhà băng đau đầu là quản lý rủi ro khi cho khách hàng cá nhân vay tiền. Từ lâu VP Bank đã xác định đi theo mô hình ngân hàng bán lẻ, song ông Lê Đắc Sơn cũng tỏ ra lo lắng làm sao quản lý được rủi ro. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đầy đủ, thông tin khách hàng không dễ tra cứu khiến các hàng ngân hàng lo ngại. "Ở nước ngoài chỉ cần truy nhập hệ thống thông tin là có thể biết rõ về khách hàng, nhưng ở Việt Nam không như vậy, nên nhiều rủi ro", ông Đinh Việt Cường, Giám đốc Trung tâm thẻ Techcombank, cho hay.

Trong khi đó, với một số ngân hàng, một thách thức nữa là tỷ lệ nợ quá hạn của các ngân hàng được quy định không quá 2-3%. Hiện chưa có tỷ lệ áp dụng riêng cho lĩnh vực bán lẻ, mà tỷ lệ này được sử dụng chung cho các ngân hàng. Một khi tỷ lệ nợ quá hạn vượt quá con số này, các ngân hàng sẽ bị "tuýt còi". Trong khi đó, theo ông Đinh Việt Cường, tỷ lệ 4-5% như ở các nước trên thế giới là phù hợp hơn với phát triển bán lẻ.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây