Trong bối cảnh lượng cung hàng hoá cho thị trường chứng khoán ngày càng tăng mạnh và lượng cầu có khả năng suy giảm thì việc giá nhiều cổ phiếu tiếp tục giảm là điều không thể tránh khỏi.
Lượng cung hàng hoá đang tăng rất mạnh. Hôm qua, sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) đón nhận thêm 72 triệu cổ phiếu PVT của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí - PV TRANS. Sáng nay, HOSE cũng đón nhận thêm 4 triệu cổ phiếu phát hành thêm của CTCP Điện tử Tân Bình (VTB). Ngày mai (12/12), 10,3 triệu cổ phiếu DCC của Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp (Descon) cũng sẽ chào sàn TP.HCM. Danh sách các cổ phiếu lên sàn còn rất dài. Bên cạnh đó, một loạt doanh nghiệp cũng sẽ IPO trong thời gian tới, mà gần nhất và lớn nhất là IPO của Vietcombank với gần 1.000 tỷ đồng mệnh giá.
Trong khi đó, khả năng sẽ không có thay đổi gì về Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước hạn chế cho vay kinh doanh chứng khoán. Thông tin này không lạ lẫm gì, song cũng đủ để cho các nhà đầu tư phải lo ngại bởi thời điểm mà quyết định này có hiệu lực chỉ còn chưa tới 20 ngày.
Trong cuộc họp của ngành ngân hàng cuối tuần qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết hiệp hội đã có công văn nhắc nhở các ngân hàng cổ phần phải nghiêm chỉnh thực hiện Chỉ thị 03, vì Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ không thay đổi hạn mức 3%.
Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng thương mại lại cho biết họ không thể khống chế tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán xuống dưới mức 3% đến ngày 31/12 như quy định bởi vì nhiều hợp đồng tín dụng được ký trước ngày 28/5 khi Chỉ thị 03 được ban hành và có thời gian đáo hạn sau ngày 31/12.
VNBA đã kiến nghị NHNN cho lùi thời gian thanh lý đối với những hợp đồng này đến 30/6/2008, song đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi. VNBA chủ trương kêu gọi các hội viên ra sức thu hồi nợ vay để đáp ứng điều kiện đưa ra của NHNN.
Sự việc tuy không có gì mới nhưng trong hoàn cảnh các nhà đầu tư đang cần tiền cho vụ đấu giá cổ phần Vietcombank thì thông tin trên đây vẫn như một gáo nước lạnh đổ vào niềm tin của các nhà đầu tư. Họ vẫn đành phải bán ra để chuẩn bị tiền cho vụ IPO của nhà băng hiện đứng thứ 2 Việt Nam về số tài sản này.
Trở lại diễn biến giao dịch sáng nay, có tới 90% số lượng cổ phiếu trên sàn TP.HCM giảm giá. TTCK tiếp tục giảm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp mặc dù sắp bước vào thời kỳ có nhiều thông tin hỗ trợ như báo cáo kết quả kinh doanh cuối năm cũng như đại hội cổ đông thông qua kế hoạch cho năm tiếp theo.
Nhiều nhà đầu tư đã không thể chờ đợi cho đến khi thị trường hồi phục, và đã bán ra cổ phiếu ở mức giá thấp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn kỳ vọng vào chu kỳ tăng điểm cuối năm của VN-Index và không chấp nhận bán ra cổ phiếu. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến khối lượng giao dịch tụt giảm.
Lượng giao dịch giảm một phần còn do các nhà đầu tư đang chờ đợi IPO Vietcombank. Nhiều dự báo cho rằng, nếu Vietcombank sẽ kéo thị trường hồi phục và ngược lại thị trường sẽ không có động lực để tăng trở lại mặc dù đã giảm nhiều.
Kết thúc phiên giao dịch 11/12, chỉ số VN-Index đã giảm 17,44 điểm (tương đương giảm 1,81%) xuống 941,04 điểm.
Trong số 129 cổ phiếu niêm yết trên sàn (thêm PVT của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí - PV TRANS ngày 10/12), chỉ có 8 mã tăng giá, 113 mã giảm giá và 8 mã đứng giá. Trong 2 chứng chỉ quỹ, BF1 giảm 100 đồng xuống 10.500 đồng/ccq, còn VF1 giảm 200 đồng xuống 27.900 đồng/ccq.
Khối lượng giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM tiếp tục đứng ở mức rất thấp.
Cụ thể, khối lượng giao dịch toàn phiên đạt 7,7 triệu đơn vị, trị giá 745 tỷ đồng. Giao dịch tính riêng cổ phiếu đạt 7,3 triệu đơn vị.
Trong số 35 cổ phiếu lớn nhất trên sàn TP.HCM, chỉ có PPC của Nhiệt điện Phả Lại (vốn hoá đứng thứ 6) tăng 500 đồng lên 59.500 đồng/cp và BMP của Nhựa Bình Minh đứng giá ở 168.000 đồng/cp, còn lại tất cả giảm giá.
Cổ phiếu PVT của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí - PV TRANS sau khi lên sàn ngày 10/12 với mức giảm hết biên độ cho phép (20% từ giá tham chiếu 120.000 xuống 96.000 đồng/cp), kết thúc phiên giao dịch sáng nay tiếp tục giảm thêm 4.500 đồng xuống mức giá sàn 91.500 đồng/cp. Khá nhiều nhà đầu tư lo ngại giá xăng dầu đang đứng ở mức rất cáo sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của DN này.
Cổ phiếu FPT của CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT tiếp tục giảm và đã xuống mức thấp nhất trong vòng 3,5 tháng qua. Kết thúc đợt 1 cổ phiếu FPT giảm 2.000 đồng xuống 226.000 đồng/cp, với 327.840 cổ phần được chuyển nhượng.
Trong khi đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát tiếp tục làm thất vọng các nhà đầu tư khi giảm thêm 4.500 đồng xuống mức giá sàn là 93.000 đồng/cp. Cổ phiếu này lên sàn ngày 5/11 với giá dự kiến là 110.000 đồng và đóng cửa phiên đầu tiên ở mức 127.000 đồng/cp.
Rất nhiều cổ phiếu lớn khác giảm giá như: Đạm Phú Mỹ (DPM) giảm 2.000 đồng xuống 73.000 đồng/cp; Chứng khoán Sài Gòn (SSI) giảm 4.000 đồng xuống 259.000 đồng/cp; Ngân hàng Sacombank (STB) giảm 1.000 đồng xuống 66.500 đồng/cp.