Hạn chế bàn… thua
Một số người có tâm lý “được ăn cả, ngã về không” và tung tiền vào TTCK để tìm kiếm lợi nhuận ở mức cao nhất. Và cũng có nhiều nhà đầu tư mang tiếng là “thắng lớn” nhưng luôn mất ăn mất ngủ, sức khỏe giảm sút, không có thời gian dành cho bản thân, bạn bè, người thân và có khi gia đình ly tán… Nhưng nếu có lúc thắng thì cũng phải có lúc thua.
Trong bóng đá, nếu bạn thua với tỷ số 0-1, 0-2, 0-3 hay thậm chí 0-9 cũng chỉ đơn thuần là thua một trận đấu. Tuy nhiên, trong đầu tư hay kinh doanh chứng khoán, hiệu số bàn thua càng cao thì hậu quả càng trầm trọng.
Ví dụ như danh mục đầu tư của bạn là 100 ngàn USD, nếu giảm 1% bạn chỉ mất 1 ngàn; giảm 10% thì mất 10 ngàn còn nếu giảm 50% thì trong tay bạn chỉ còn 50 ngàn USD.
Còn nữa, giả sử từ lúc bạn nắm giữ trong tay cổ phiếu cho đến lúc giã từ cõi đời, mỗi năm TTCK giảm 5% còn tổng danh mục đầu tư của bạn chỉ giảm 3% thì phải chăng bạn đã “thắng” vì mức độ thiệt hại thấp hơn? Dĩ nhiên câu trả lời là không vì nếu như thế bạn sẽ không thể thực hiện được mục tiêu của mình như mua một chiếc xe hơi đời mới nhất, một căn hộ hoặc biệt thự hoành tráng. Và bạn cũng sẽ không có một khoản tiền xài thoải mái về sau.
Hay là như thế này: Trong trường hợp TTCK đi xuống, để cho an toàn bạn có thể lấy hết số tiền đã đầu tư trong TTCK đem gửi ngân hàng tại những trung tâm tài chính lớn như Singapore hay Hồng Công với lãi suất tiền gửi 2% một năm. Liệu như vậy bạn sẽ cảm thấy “sướng” vì đã vượt qua “đối thủ” của mình là TTCK? Điều này thì còn tùy tài sản của bạn là hàng triệu hay hàng tỷ USD.
Như Bill Gates thì với lãi suất 2%/năm sẽ giúp ông tiếp tục tận hưởng những gì ông có. Nhưng nếu chỉ có vài chục, thậm chí vài trăm ngàn USD thì cuộc sống của bạn không thể tốt hơn với mức lãi suất này. Đó là chưa tính đến những thiệt thòi khác do lạm phát, chi phí giao dịch ngân hàng, thuế thu nhập…
Xác định mục tiêu
Chia sẻ với độc giả những suy nghĩ trên đây, người viết mạo muội cho rằng đối với những ai có suy nghĩ tỉnh táo thì không nên xem đầu tư đơn thuần là chuyện thắng hay thua. Những nhà kinh doanh nghiêm túc bỏ tiền ra đầu tư không phải để đoạt cúp vô địch, chứng tỏ mình giỏi hơn người khác, hay tìm tỷ suất lợi nhuận cao hơn mức trung bình trên thị trường.
Mục đích đầu tư của họ là đạt được các mục tiêu tài chính. Ví dụ một nhà đầu tư cá nhân chỉ cần mua một căn nhà to hơn, có tiền cho con đi học nước ngoài và sống thoải mái khi về hưu. Những nhà đầu tư này kiên định với những mục tiêu đã đề ra và không bị áp lực THẮNG-THUA chi phối. Họ biết khi nào cần bước vào thị trường, lúc nào cần nghỉ ngơi và thời điểm nào nên rút khỏi cuộc chơi. Họ cũng có nhiều tham vọng chiến thắng nhưng luôn bình tĩnh và hiểu được cái giá phải trả khi đầu tư.
Trong đầu tư, rủi ro và lợi nhuận luôn song hành: lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng cao. Nói một cách hình tượng hơn, để có một bữa ăn ngon (lợi nhuận cao) thì nhà đầu tư phải trả giá bằng những đêm mất ngủ (rủi ro cao).
Như vậy, kẻ chiến thắng bạn phải là người biết cân bằng và hài hòa giữa chuyện ăn ngon và ngủ yên.
Do đó, muốn trở thành một nhà kinh doanh hay đầu tư thành công, bạn phải biết xác định rõ mục tiêu của mình như thế nào, mức độ chịu đựng rủi ro và điều chỉnh phù hợp, chứ không phải chấp nhận mọi rủi ro bất chấp thực tế thị trường. Với ngân sách tài chính cá nhân, nhà đầu tư có thể xác định những khoản nào mình cần để dành, cái nào để chi tiêu hiện tại và cái gì để đầu tư ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn.
Việc thiết kế ngân sách này tùy thuộc vào lối sống của nhà đầu tư hay nói theo ngôn ngữ của các nhà tư vấn tài chính, đây là quá trình hoạch định tài chính theo lối sống. Quá trình này hướng đến các mục tiêu tài chính cụ thể theo một chiều hướng tích cực, cân đối và hài hòa trong cuộc sống, chứ không phải đạt mục tiêu duy nhất là trở thành nhà vô địch trên thương trường.