"Đánh" thuế chuyển nhượng vốn liệu có khả thi?

 
 
Suy cho cùng, thuế là một cuộc chơi giữa các cơ quan thuế vụ và các doanh nghiệp. Luật chơi càng rắc rối, khó khăn, thì nguy cơ gian lận càng lớn.

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhắc nhiều đến các doanh nghiệp FDI với không nhiều thiện cảm khi Cục thuế Tp.HCM phát hiện hàng loạt doanh nghiệp FDI trên địa bàn đã có những dấu hiệu trốn thuế chuyển nhượng vốn.

Theo quy định, trong hoạt động chuyển nhượng vốn, thuế suất đánh vào lên tới 20% thu nhập chuyển nhượng (giá mua - giá bán). Với mức thuế này, không ít doanh nghiệp đã tìm cách lách thuế khiến Cục thuế phải bao phen vất vả "truy lùng". 
 
Bộ tài chính, Cục thuế...đang cố làm đủ mọi cách để thu bằng được những khoản thuế đáng ra được thu.
 
Hôm nay, ngày 23/12/2013, theo nguồn tin từ Bộ tài chính, trước dấu hiệu trốn thuế từ hoạt động bán vốn cổ phần, chuyển nhượng dự án, sắp tới thanh tra ngành sẽ rà soát lại toàn bộ các thương vụ để truy thu tiền thuế. Đây là một động thái mạnh mẽ được phát đi từ cơ quan công quyền. Thế nhưng, với không ít doanh nghiệp FDI, việc đánh thuế chuyển nhượng vốn đôi khi vẫn có vẻ ít nhiều....vô lý.
 
Về mặt nguyên tắc, chuyển nhượng vốn, đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chính là việc chuyển nhượng cổ phần, bán và mua cổ phiếu. Theo quy định, những thương vụ này bị đánh thuế với thuế suất 20%.
 
Tuy nhiên, cũng với việc giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, thuế suất đánh vào chỉ vỏn vẹn 0,1% trên doanh thu chuyển nhượng. Hoặc nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn phương pháp tính thuế khác, 20% trên thu nhập chuyển nhượng (giá mua - giá bán). Với 2 sự lựa chọn nói trên, nhà đầu tư có quyền chọn mức thuế thấp hơn. Trong không ít trường hợp, sự chênh lệch giữa hai lựa chọn là khá cao.
 
Mức chênh lệch đáng kể này cho các giao dịch giống nhau về bản chất, là nguyên nhân sâu xa của việc lách thuế hiện nay của các doanh nghiệp FDI.
 
Điểm mặt lại các vụ việc lách thuế chuyển nhượng gần đây, có thể thấy phần lớn là ở các doanh nghiệp chưa niêm yết. Như vậy, việc chưa lên sàn đã mang lại bất lợi đối với các doanh nghiệp FDI trong các thương vụ chuyển nhượng.
 
Đơn cử, trong vụ việc của Y khoa Hoàn Mỹ, theo văn bản của UBND Tp.HCM gửi Bộ tài chính, có đoạn viết: "Nay qua rà soát Công ty mới lập tờ khai chuyển nhượng vốn với giá vốn là 618 tỷ đồng và giá bán là 776 tỷ đồng, phát sinh thu nhập là 157 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là 39 tỷ đồng, đồng thời cá nhân làm thủ tục xin miễn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Singapore".
 
Cũng phải nói thêm, trong vụ việc của Y khoa Hoàn Mỹ, doanh nghiệp này đã tìm cách lách thuế bằng việc thay vì khai báo chuyển nhượng vốn, đã đăng ký thay đổi tên người đại diện theo pháp luật của công ty. 
 
Hãy để ý các con số được chỉ ra. Chưa tính đến việc miễn giảm thuế, Y khoa Hoàn Mỹ phải nộp 39 tỷ đồng trong thương vụ chuyển nhượng vốn cho cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên, nếu coi đó là 1 thương vụ chuyển nhượng cổ phần thông thường, công ty này có quyền lựa chọn gánh thuế nhẹ nhàng hơn, 0,1% doanh thu, tương đương 780 triệu đồng, chưa đến 1 tỷ đồng! 
 
Liệu với mức thuế này, Y khoa Hoàn Mỹ có còn động lực để "lách" thuế nữa hay sẽ "ngoan ngoãn" nộp thuế theo đúng quy định của Bộ tài chính?
 
Vấn đề này tiếp tục phát sinh những hệ lụy về lâu dài.
 
Không khó để hình dung, các doanh nghiệp FDI sẽ tìm cách "lách" một cách hợp pháp, bằng cách tạm niêm yết trước khi phát sinh nhu cầu chuyển nhượng vốn. Khi đó, Cục thuế chắc cũng phải...bó tay! Vô hình chung, sàn giao dịch trở thành một phương tiện để các doanh nghiệp trú chân. Việc quản lý thuế lại trở nên khó khăn hơn, và cũng dễ thất thu hơn. Thông tin doanh nghiệp cũng trở nên thiếu minh bạch.
 
Suy cho cùng, thuế là một cuộc chơi giữa các cơ quan thuế vụ và các doanh nghiệp. Luật chơi càng rắc rối, khó khăn, thì nguy cơ gian lận càng lớn.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây