Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng sắp được đưa ra xét xử. Gần đây, báo chí liên tục khai thác vụ việc này dưới nhiều khía cạnh, từ góc nhìn chuyên gia đến các luật sự. Tất cả các ý kiến đều cho rằng, một mình Huyền Như không thể làm nên đại án, cần phải xem xét các cơ quan liên quan và rằng liệu cơ quan tố tụng có bỏ qua trách nhiệm của Ngân hàng TMCP Công Thương VN (Vietinbank) hay không?.
Một độc giả cũng đã gửi tới chúng tôi bài viết thể hiện góc nhìn của một người dân bình thường đối với vụ án. Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bài viết để bạn đọc cùng tham khảo.
Câu thành ngữ “cái lý của người Mèo” có hàm ý cái lý mặc nhiên, “thiên nhiên” là như thế. Người Mèo là người ở vùng cao Tây bắc của nước ta, họ sống gần gũi với thiên nhiên nên bản tính rất thật thà hồn nhiên như cây cỏ, những gì họ nói ra là thật, là chân lý, cần phải hành xử như thế. Thế nhưng trong cuộc sống rất nhiều lần mà “cái lý của người Mèo” không được áp dụng. Câu chuyện thời sự dưới đây là một ví dụ.
Câu chuyện 1:
Bạn đi công việc ở một nơi nào đó có dịch vụ nhận giữ xe gắn máy, bạn gửi xe rồi đi công việc. Xong công việc trở ra đưa thẻ lấy xe thì hỡi ôi, xe bạn mất rồi. Giả sử người giữ xe mới thấy một người vừa lấy xe này ra chỉ mấy phút (tất nhiên là có trình thẻ giả). Tiếp theo là bạn và chủ trông xe sẽ bàn chuyện đền bù chiếc xe bị mất. Xe hiệu gì, số khung, số máy, mua năm nào… Nếu bạn và chủ xe không thương lượng được giá cả đền bù, hai bên kéo nhau ra tòa và tòa sẽ phán quyết. Tất nhiên số tiền chính xác là bao nhiêu tôi không biết nhưng tôi biết chắc chắn là bạn sẽ được đền bù. “Cái lý của người Mèo” là như thế!
Ở đây xuất hiện kẻ lừa đảo, nhưng người bị lừa đảo và bị thiệt hại là người giữ xe chứ không phải bạn, “Cái lý của người Mèo” là như thế! Tất nhiên có thể bạn cũng bị thiệt hại nếu số tiền đền bù không mua được chiếc xe có chất lượng như xe bạn đã bị mất.
Giả sử trong lúc tòa đang tiến hành các bước để xét xử vụ kiện này mà có thông tin bên công an đã bắt được chính kẻ lừa đảo vừa rồi thì việc bắt giữ kẻ này cũng không làm ảnh hưởng đến việc bạn có được đền bù hay không. Mặc nhiên là được đền bù vì kẻ lừa đảo đã lừa người giữ xe chứ không phải lừa bạn. Một lần nữa cái lý của người Mèo được áp dụng.
Câu chuyện 2:
Bạn có rất nhiều tiền (có thể là của bạn hay đại diện cho một tổ chức nào đó), trong khi chờ cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp hay chứng khoán, bất động sản … nhưng e ngại rủi ro. May quá có ngân hàng thương mại đang huy động lãi suất rất hấp dẫn mà đây là ngân nhà nước nắm cổ phần chi phối, chẳng lẽ nhà nước này sập, chuyện còn xa nên bạn ung dung gửi tiền vào để kiếm lãi.
Một ngày đẹp trời nào đó, ngày đáo hạn cũng đã đến, bạn đến ngân hàng để lĩnh cả vốn lẫn lãi thì hỡi ôi, có kẻ giả danh bạn, dùng sổ tiết kiệm (hay hợp đồng gửi tiền) làm vật thế chấp ngân hàng để vay ngân hàng. Hiện giờ kẻ ấy đã bị tạm giam và ngân hàng đó cũng không trả tiền cho bạn với lý do: toàn bộ số tiền đó đã bị lừa đảo hết rồi. Đây không phải là "cái lý của người Mèo" mà là "cái lý của người Kinh”.
Cái lý của người Kinh
Câu chuyện trên chỉ mục đích minh họa cho câu chuyện người gửi tiền vào VietinBank và chuyện lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền như mà báo chí đề cập trong thời gian gần đây.
Cụ thể: “Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông qua 19 nhân viên để gửi tổng số tiền 719 tỷ đồng vào Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh và Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè với lãi suất 17,8 đến 18,5%/năm theo thỏa thuận với Huỳnh Thị Huyền Như và bị Như chiếm đoạt toàn bộ.”
Tương tự, ba công ty là Công ty đầu tư TNHH Phúc Vinh; Công ty CP Đầu tư Thịnh phát và Công ty CP Thương mại & Đầu tư Hưng Yên gửi hơn 2,500 tỷ đồng vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè với lãi suất từ 18% đến 22%/năm theo thỏa thuận với Huỳnh Thị Huyền Như và bị Như chiếm đoạt gần 1,600 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, trên cơ sở hợp đồng tiền ký gửi với Ngân hàng Công thương, các nhân viên Ngân hàng ACB đã chuyển tiền vào tài khoản của từng người mở tại Ngân hàng Công thương. Mặc dù không được sự đồng ý của khách hàng, Huyền Như tự ý giả chữ ký, lập 83 thẻ tiết kiệm do Ngân hàng Công thương phát hành trị giá 533,55 tỷ đồng đứng tên các khách hàng gửi tiền, sau đó Huyền Như sử dụng trái phép các thẻ tiết kiệm này làm tài sản bảo đảm, lập hợp đồng vay tiền giả, ký giả chữ ký của chủ thẻ tiết kiệm với vai trò là người bảo lãnh, người đứng tên vay và nhờ người thân đứng tên để vay 514,54 tỷ đồng tại 2 phòng giao dịch Điên Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng thuộc Ngân hàng Công thương TP.HCM.
Tất nhiên là bạn sẽ kiện nhưng thời gian từ lúc bạn khởi kiện cho đến lúc vụ kiện kết thúc, bao gồm cả thi hành án thì chỉ chẳng ai biết được.
Về khoản 718,9 tỷ đồng và 36,5 tỷ đồng tiền lãi dự thu, ACB cho biết, phần lớn các nhân viên nhận ủy thác gửi tiền của ngân hàng đã khởi kiện tại Tòa án Dân sự yêu cầu ngân hàng nhận gửi hoàn trả gốc và lãi của khoản này.
Tháng 7/2012, ACB nhận được thông báo từ Tòa án Dân sự về việc tạm hoãn xét xử do vụ việc liên quan đến vụ án hình sự đang điều tra. Tại ngày 30/6/2013 và tại ngày phê duyệt báo cáo, ACB vẫn chưa được thông báo về kết quả điều tra cũng như chưa có phán quyết của tòa án.
Sau khi bị Huyền Như qua mặt, chiếm đoạt tiền, dù biết rõ hồ sơ vay vốn là giả, chữ ký giả trên các hợp đồng cầm cố thẻ tiết kiệm và việc cho vay như trên là trái quy định nhưng Ngân hàng Công thương vẫn dùng số tiền từ thẻ tiết kiệm đã được cầm cố để thu hồi các khoản nợ đã cho vay sai mà không có sự đồng ý của chủ thẻ tiết kiệm; sử dụng trái phép tiền gửi của khách hàng để bù đắp cho thiệt hại đã bị Huyền Như chiếm đoạt.
Đến đây rõ ràng là cái lý của người Kinh rất khác xa cái lý của người Mèo, Vietinbank đã dùng “cái lý của người Kinh” để giảm thiệt hại của mình trước, còn quyền lợi của người gửi tiền thì chờ tòa xử kẻ lừa đảo như thế nào sẽ tính sau.
Vậy bây giờ tất cả người gửi tiền vào ngân hàng nên cẩn thận với “cái lý của người Kinh”! đừng tưởng gửi tiền vào ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối mà có thể yên tâm!