Cũng cần phải nhắc lại là, ngay trong cơn sốt đầu năm 2007, chỉ có 1 lần duy nhất vào giữa tháng Giêng, HaSTC đạt được giá trị giao dịch 550 tỷ đồng. Nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng: Sàn Hà Nội hấp dẫn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro khi tăng trưởng nóng.
Chúng ta phải nhìn nhận việc HaSTC tăng điểm cũng nằm trong xu thế đi lên chung của TTCK Việt Nam từ giữa tháng 9. So với VN-Index, HaSTC-Index còn “khởi động” chậm hơn. Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, các chỉ số kinh tế, tài chính vĩ mô, các yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng của 2 sàn là như nhau. Đồng thời, các doanh nghiệp trên cả 2 sàn đều có báo cáo tài chính khả quan về tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm.
Nhiều nhà quan sát đã trích dẫn lời các NĐT, cho rằng: Một phần lý do khiến sàn Hà Nội trở nên hấp dẫn hơn vì các DN niêm yết ở đây có báo cáo tài chính rõ ràng, lợi nhuận hấp dẫn hơn các DN trên HOSE. Đặc biệt, ở HaSTC, NĐT ít lo ngại chuyện bị làm giá như ở HOSE, đúng như tiêu chí “Công khai – Minh bạch – Công bằng” của HaSTC. Tuy nhiên, những đánh giá này có phần cảm tính và không phản ánh cốt lõi của vấn đề.
Trước hết, nếu so với sàn TP. HCM thì sàn Hà Nội đã chịu hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong đợt giảm giá mùa hè vừa qua. Đã từng đạt đỉnh cao 450 điểm đầu tháng Ba, khi HaSTC bị điều chỉnh xuống dưới 250 điểm – tức là giảm gần 45%, nhiều mã CP đã xuống thấp hơn cả giá trị thực. Ông Phương Anh, chuyên viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét: “Các DN niêm yết trên sàn Hà Nội là các DN có vốn điều lệ nhỏ, vì vậy khi thị trường đi xuống, tính thanh khoản sẽ giảm mạnh hơn và NĐT cũ thì tháo chạy trong khi NĐT mới ít quan tâm, dẫn đến thị giá càng giảm. Nhưng, khi thị trường hồi phục, chính các mã CP này sẽ trở thành điểm nóng thu hút NĐT”. Cũng theo ông Phương Anh, chính vì các DN sàn Hà Nội có vốn điều lệ nhỏ nhưng đều làm ăn tốt nên NĐT sẽ có kì vọng hơn vào sự tăng vốn trong tương lai gần. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chính các NĐTNN với kinh nghiệm và sự nhạy bén đã là những người chuyển hướng sang HaSTC đầu tiên. Theo nhiều chuyên gia, mức 300-320 điểm mới là mức “phục hồi” của sàn Hà Nội, và ngoài mức 350 mới được gọi là tăng trưởng.
Ông Tuấn Bùi, chuyên gia của một quỹ đầu tư lại nhận định: “Chuyện làm giá hay mẹo thương trường thì khó xác định thực hư, nhưng ở thời điểm hiện tại, sau khi HOSE cũng đã thực hiện khớp lệnh liên tục thì với biên độ dao động giá rộng hơn, và nhất là vốn điều lệ nhỏ hơn dẫn đến số lượng CP lưu hành ít hơn, HaSTC là nơi dễ thực hiện hơn”.
Còn từ góc độ NĐT, anh Đức (sàn CK Dầu khí – Hà Nội) chia sẻ: “Điều khiến tôi lựa chọn sàn Hà Nội làm “chiến trường chính” là khả năng nhập lệnh thành công vào hệ thống cao hơn, vào thời điểm TTCK đang phục hồi này, chỉ một phiên không khớp được lệnh là NĐT thiệt hại. Do đó, đây là điều tối quan trọng”. Phụ trách phòng giao dịch một CTCK cũng cho biết, vì sàn TP.HCM có sự quá tải, các CTCK mới chỉ có 1 đến 2 máy trong sàn, nên chuyện nghẽn mạch cũng thường xuyên, ngay cả các khách hàng VIP hay lệnh tự doanh của CTCK cũng có lúc bị từ chối. Chính hạn chế kĩ thuật này tạo nên tâm lý không hay ở một số NĐT.
Một số NĐT khẳng định: Chính biên độ 10% của HaSTC so với 5% của HOSE là điều hấp dẫn. Quả thật, với một số CP trên sàn Hà Nội như nhóm Sông Đà, chỉ sau hơn một tuần tăng kịch trần, NĐT đã có thể thu lợi 100%. Tuy nhiên, tất cả các NĐT kinh nghiệm, các chuyên gia cũng như phía cơ quan quản lý đều phủ nhận điều này. Ông Tuấn Bùi còn cảnh báo, chính đây là con dao 2 lưỡi đối với các NĐT: “Tăng mạnh ắt có giảm sâu. Thực tế khi cung – cầu chưa ổn định như hiện nay, đã có trường hợp trên sàn Hà Nội hôm trước lên kịch trần mà không có dư bán, đến hôm sau lại xuống kịch sàn lại không có ai mua. Thậm chí, với PVS, và mới đây là một số mã Sông Đà giá mở cửa là kịch trần mà khi đóng cửa đã là giá sàn. Vì thế, NĐT phải rất cẩn trọng vì sàn Hà Nội đã tăng quá nóng, khi đã xấp xỉ mức điều chỉnh 400.”
Đánh giá chung về mức tăng của chỉ số, khối lượng giao dịch tại HaSTC, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó giám đốc TTGDCK Hà Nội, cho rằng, bản thân các NĐT cũng không nên đặt nặng vấn đề vì sao có phiên HaSTC-Index tăng mà VNIndex có giảm nhẹ, bởi để rút ra được một điều gì, cần phải theo dõi cả một quá trình. Liệu bước điều chỉnh ngày 18/10 và phiên hôm qua (22/10) của HaSTC với hàng loạt CP sụt hết biên độ sẽ là mắt xích nào trong quá trình đó?