- Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 9%, xin Phó thủ tướng nói rõ hơn về con số này?
- 9% là đặt trong thế khiêm tốn, vì sự bền vững. Chúng ta phải dành nguồn lực cho xóa đói giảm nghèo, giải quyết những việc không ra tăng trưởng, ví dụ đầu tư đường điện nông thôn, công trình thủy lợi nhỏ vào nông thôn hoặc giáo dục, y tế, văn hóa (tăng trưởng lâu dài chứ không phải trước mắt).
Ngoài ra còn yếu tố giá, nếu để tăng trưởng quá nhanh giá sẽ lên, cho nên 9% là hợp lý với tình hình của chúng ta hiện nay. Nếu chúng ta giải quyết các cân đối vĩ mô tốt, đời sống nhân dân, cơ sở hạ tầng nông thôn, đô thị tương đối tốt rồi, thì tăng trưởng cao, thậm chí 2 con số.
- Mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm kìm chế việc tăng giá, nhưng thực tế giá cả vẫn tăng. Theo ông vì sao người dân đang phải chấp nhận mặt bằng giá mới ở nhiều mặt hàng?
- Cái gì bất khả kháng thì mình phải chịu, như những thứ mà giá thế giới lên, mình còn phải nhập. Chẳng hạn, giá xăng dầu, phôi thép, đó là việc mình phải chấp nhận.
Còn một số mặt hàng tiêu dùng, tăng giá chủ yếu là tâm lý. Chính phủ vừa có chỉ thị đẩy mạnh sản xuất trong nước để đảm bảo cung cấp, phân phối hàng hóa mở rộng ra, thực hiện hạ giá cuối năm. Ta phải chống lại xu thế cuối năm thường là tăng giá. Tôi cho rằng, hàng loạt mặt hàng không có cơ sở kinh tế để tăng.
Cái gì có lợi cho người dân thì hướng vào giải quyết. Còn những thứ khác như ôtô... nhà nước sẽ tiếp tục giảm thuế nữa, có thể sẽ mất thu một chút, nhưng tăng cung cầu. Nếu Chính phủi không đấu tranh tốt thì có những trường hợp lợi dụng chính sách nhà nước phục vụ đa số để làm lợi cho riêng mình, như đầu cơ.
Trận lũ lụt vừa rồi, bà con nhà cửa bị trôi, tốc mái... bây giờ sơn cũng tăng, xi măng cũng tăng, tấm lợp cũng tăng, vô lý quá. Cái đó phải kiên quyết với người kinh doanh. Giá có thể tăng chút ít do chi phí đi lại, nhưng giá sản phẩm chỉ 5.000 - 7.000 đồng lại tăng lên 14.000 - 15.0000 đồng thì phải tịch thu giấy đăng ký kinh doanh. Lần này Chính phủ kiên quyết, công luận kiên quyết thì mới làm được.
- Gần đây một số đô thị lớn đang có tình trạng đầu cơ đất. Dư luận lo rằng sẽ có cơn sốt đất lần 3. Chính phủ có biện pháp kìm chế gì?
- Tăng trưởng kinh tế kéo theo nhu cầu dùng đất phát triển đó là nhu cầu khách quan. Nhưng đất mà không dùng thì đất đó không có giá trị mà lại sử dụng như công cụ đầu cơ là không tốt. Quan trọng bây giờ là quy hoạch phát triển đất đai, quy hoạch phát triển xây dựng từ cơ sở hạ tầng cho đến các công trình công nghiệp, công trình thương mại phải công khai, minh bạch. Và kể cả đất đai xây dựng nhà ở phải giải quyết phát triển nhanh để đáp ứng nhu cầu.
Tôi nghĩ chúng ta cũng phải sử dụng biện pháp tài chính, trong đó có vấn đề giá đất sao cho công khai, để người dân hiểu được giá nào là hợp lý. Chúng ta phải đánh thuế vào diện tích đầu cơ, hay diện tích không phải cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Nếu đầu cơ, Chính phủ sẽ điều tiết lại để họ thấy đầu cơ không có lợi. Giữ lại miếng đất, sau này bán sẽ bị đánh thuế cao. Một nhà ở thì được nhưng vài ba nhà ở thì vô lý quá.
- Trong báo trước QH, Thủ tướng trình bày việc thành lập cơ quan giám sát giúp Chính phủ điều hành vĩ mô trong bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán... Xin Phó thủ tướng nói rõ hơn về mô hình này?
- Quan trọng là chúng ta phải hình thành hệ thống chỉ tiêu giám sát độc lập để xem ảnh hưởng của các hoạt động tiền tệ, tài chính, ngân hàng, chứng khoán ảnh hưởng thế nào, tác động đến kinh tế, giá cả ra làm sao. Từ hệ thống chỉ tiêu tổng hợp ấy mình đánh giá kịp thời, đưa ra phân tích, dự báo, đưa ra cảnh báo để từ đấy có chính sách cụ thể.
Bây giờ thị trường đang phát triển phải để phát triển. Kinh tế thị trường có quy luật của nó phải để nó thực hiện. Cơ quan quản lý không được đưa ra chính sách gây sốc thị trường, tạo tâm lý không tốt, từ đó cũng có thể tạo ra biến động. Cơ quan giám sát vừa làm thống nhất hệ thống chỉ tiêu để có đánh giá, phân tích dự báo cho tốt, đồng thời cũng là nhiệm vụ giám sát ban hành chính sách. Thông qua đó điều phối để làm sao vừa tăng trưởng, lại không gây ra biến động.
Ngoài ra, nó cũng có trách nhiệm giám sát trực tiếp những hoạt động của thị trường. Chúng ta chưa có cơ quan này, mới có Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia. Bây giờ phải có bộ máy chuyên môn hơn. Đó là kiến nghị của Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia đối với Chính phủ.