Các nhà đầu tư đang lạc quan sau những diễn biến tốt của thị trường (ảnh: D.Đ.M) |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20.9, 80 mã cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM tăng giá, 23 mã đứng giá và chỉ có 14 mã giảm giá. Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất là giá trị giao dịch toàn thị trường đạt trên 1.000 tỉ đồng - mức giao dịch kỷ lục trong nhiều tháng gần đây kể từ khi thị trường bắt đầu tụt dốc. Theo thống kê trong những phiên giao dịch gần đây, thị trường bắt đầu có xu hướng tăng dần và tăng khá mạnh trong 2 phiên gần nhất.
Đặc biệt, giá của 2 cổ phiếu ngân hàng: ACB tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sacombank (STB) tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM là những điển hình của việc tăng giá liên tục. Trên thực tế, giá của ACB đã tăng từ 119.500 đồng/cổ phiếu ngày 13.9 lên mức 143.500 đồng/cổ phiếu ngày 20.9 (tăng hơn 20%); giá của STB cũng tăng từ 55.000 đồng lên 64.500 đồng/cổ phiếu (tăng 17%) cùng thời gian này. Thêm vào đó, giao dịch của 2 cổ phiếu này đều có khối lượng rất lớn trong mỗi phiên. Tại phiên ngày 20.9: STB có khối lượng giao dịch hơn 1,638 triệu cổ phiếu, ACB là 335.300 cổ phiếu; cả STB và ACB đều đứng đầu về khối lượng giao dịch tại 2 thị trường.
Về nguyên nhân làm giá của các cổ phiếu tăng mạnh trong 2 phiên gần đây, ông Nguyễn Quang Bảo, Phó giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán Công ty chứng khoán (CTCK) Sài Gòn nhận xét: "Trong thời gian gần đây, hàng loạt các bài phân tích về triển vọng của cổ phiếu ngân hàng đã góp phần tác động đến giá cổ phiếu của ngành này. Trên thị trường chính thức, giá của ACB và STB tăng mạnh với khối lượng giao dịch lớn là một động lực kéo thị trường đi lên".
Theo những thông tin mà Thanh Niên thu nhận được, ngoài việc có các thông tin phân tích khả quan về triển vọng của các cổ phiếu ngân hàng, các thông tin hành lang về việc cổ phiếu Vietcombank sẽ được chào bán với giá tối thiểu bằng 22 lần so với mệnh giá cũng là một nguyên nhân khiến giá cổ phiếu của hàng loạt ngân hàng trên thị trường OTC "xanh" lại. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên chiều 20.9, một nguồn tin chính thức từ Vietcombank phủ nhận việc giá bán tối thiểu cho cổ phiếu Vietcombank được trình lên Chính phủ ở mức 22 lần mệnh giá. Nguồn tin này cho biết, vào thời điểm hiện tại, Vietcombank vẫn đang trong quá trình đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng trở thành cổ đông chiến lược và chưa tới giai đoạn đưa ra mức giá bán.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 20.9, ông Trịnh Kim Quang, thành viên Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán ACB, nhận xét: Ngưỡng VN-Index 900 điểm có thể coi là ngưỡng kháng cự của TTCK Việt Nam và ở mức này vào thời điểm cuối năm, khá nhiều công ty công bố những kết quả kinh doanh khả quan là những nhân tố khiến thị trường có những khởi sắc. Ông Quang cũng cho biết, kinh nghiệm các năm trước cũng cho thấy giá của cổ phiếu thường có động thái tăng vào cuối năm.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia chứng khoán khác, việc giá cổ phiếu tại Việt Nam tăng mạnh trong vài phiên giao dịch gần đây cũng có ảnh hưởng từ việc TTCK thế giới tăng trở lại sau quyết định giảm lãi suất cơ bản đồng USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam đã trải qua một giai đoạn giảm giá khá dài kể từ hồi tháng 3 và đang bước vào giai đoạn hồi phục. Nguyên nhân của giai đoạn hồi phục này một phần xuất phát từ các thông tin tích cực về tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn là hầu hết các nhà đầu tư đều kỳ vọng về đợt hồi phục giá vào cuối năm (giờ đã là cuối tháng 9) và chỉ chờ những "thông tin mồi" kích vào. Khi những thông tin mà họ mong đợi được tung ra trên thị trường thì tâm lý chung của các nhà đầu tư "vui trở lại" và giá cổ phiếu lại tăng.