![]() |
Thị trường ế ẩm, sàn giao dịch vắng nhà đầu tư. Ảnh: H.Thúy |
Mục tiêu dìm đã thành công
Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ số VN-Index xuống còn 922,09 điểm và giá trị giao dịch khớp lệnh chỉ còn 556 tỉ đồng. So với ngày đầu tháng 11, VN-Index đã bị mất 152 điểm, tương đương giảm gần 14,52%. Mặc dù đã sát thời điểm gặt hái thành quả kinh doanh cả năm, nhiều doanh nghiệp sắp và đang chia quyền lợi lớn cho cổ đông, lẽ ra đây là lúc giá cổ phiếu tăng mạnh. Thế nhưng trên cả hai sàn, chỉ có duy nhất cổ phiếu của các công ty chứng khoán nhờ lợi nhuận siêu ngạch nên giá tăng khá, còn lại hầu hết đều giảm thê thảm. Đặc biệt, trong tuần qua chỉ có một phiên giá tăng, còn lại bốn phiên giá giảm cực mạnh, làm cho nhiều nhà đầu tư nhỏ hoang mang, rời bỏ thị trường.
Việc dìm giá được các tổ chức thực hiện bằng độc chiêu siết giảm và ngưng mua cổ phiếu, làm cho giá trị giao dịch trên thị trường ngày càng teo dần, những nhà đầu tư “lướt sóng” cũng như đầu tư trung và dài hạn ngày càng lỗ nặng thêm. Khi giá cổ phiếu trên sàn giảm mạnh, thị trường ế ẩm, nhiều cá nhân e ngại phải tránh xa cuộc IPO lịch sử, tạo thuận lợi tốt nhất cho các tổ chức mua cổ phiếu VCB với giá thấp.
Số mất lớn gấp 22,7 lần số được lợi
Giá trị VCB trong đợt IPO + chuyển đổi trái phiếu + CB-CNV mua trị giá khoảng 1.500 tỉ đồng mệnh giá (gọi chung là đợt IPO). Chỉ tạm tính với giá 10 “chấm” (theo giá khởi điểm), thì mức vốn hóa toàn bộ sẽ là 15.000 tỉ đồng, tương đương 937 triệu USD. Giá trị này chỉ bằng khoảng 4,4% giá trị vốn hóa thị trường TPHCM ngày 14-12. Hay giá trị chứng khoán TPHCM có mức vốn hóa lớn gấp 22,7 lần giá trị vốn hóa IPO VCB lần này. Như vậy, khi các tổ chức cố ý dìm giá thị trường xuống để mua VCB với giá thấp, thì cũng có nghĩa là họ đang làm “bốc hơi” giá trị thị trường VN-Index nhiều gấp 22,7 lần số họ được hưởng.
Trong giá trị chứng khoán bị mất nhà đầu tư tổ chức thiệt hại nhiều nhất, kế đến là nhà đầu tư cá nhân lớn, rồi mới đến nhà đầu tư nhỏ và những người “lướt sóng” hằng ngày. Tuy nhiên, do các tổ chức thường giữ cổ phiếu lâu dài nên nếu sau này thị trường đi lên thì giá trị đầu tư của họ được phục hồi. Nhưng nếu thị trường suy thoái luôn, không lên được nữa (như Thái Lan chẳng hạn) thì động thái dìm giá của các tổ chức có thể gây nên thảm họa “gậy ông đập lưng ông”.
Nhiều cổ phiếu sẽ tăng trong tuần này?
Theo lịch trình, ngày 18-12 sẽ khóa sổ việc đăng ký mua VCB và trưa 24-12 kết thúc việc bỏ phiếu đấu giá vào thùng phiếu tại các công ty chứng khoán. Có nghĩa là sau thời điểm này, coi như nhà đầu tư không còn thay đổi được giá nữa. Để hạn chế khả năng “gậy ông đập lưng ông”, có thể từ sáng 25-12 các tổ chức sẽ phải đẩy mạnh mua vào để kích hoạt giá cổ phiếu tăng lên nhằm cứu vãn thị trường, nếu không hệ quả tai hại sẽ trở nên khó lường. Do nhận định lạc quan như vậy, nên nhiều nhà đầu tư cá nhân sẽ ra tay mua trước, vì vậy một số cổ phiếu có quyền lợi gần kề giá sẽ nhích lên ngay trong tuần này?