Nỗi lo bội thực cổ phiếu

Nhiều DN sẽ phải điều chỉnh kế hoạch
Tại thời điểm thị trường tăng trưởng sôi động, tin tức phát hành thêm CP luôn có một sức hút lớn đối với NĐT, góp phần đẩy giá lên.

Tuy nhiên, càng về cuối năm thị trường càng diễn biến trái với lịch sử năm 2006 khiến không ít DN có kế hoạch tăng vốn lo lắng bởi lẽ dường như thị trường - nhất là NĐT cá nhân - đang cạn vốn.

Khi sức mua ngày càng yếu, lượng cung lại tăng mạnh thì giá CP chắc chắn bị ảnh hưởng nặng nề khiến nguy cơ phát hành không thành công là rất lớn, đồng thời "miếng bánh" thặng dư cũng sẽ nhỏ lại.

Từ góc độ NĐT, khi thị trường xấu, CP nắm giữ khó thanh khoản đồng thời giá liên tục giảm thì không ai muốn "ôm vào" thêm mặc dù được mua giá ưu đãi. Lời lãi chưa thấy, chỉ biết CP nhiều tháng sau mới về tài khoản trong khi giá ngay lập tức bị điều chỉnh giảm và khả năng tăng trở lại vẫn khó nói.

Tại diễn đàn lần này, rất nhiều câu hỏi NĐT đặt ra mối lo ngại nguồn cung có khả năng tăng mạnh khi nhiều DN thực hiện kế hoạch tăng vốn theo giấy phép đã được chấp thuận của UBCKNN.

Thêm vào đó, mối lo IPO quá lớn của Vietcombank sẽ hút ra khỏi thị trường một lượng tiền không nhỏ.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCK Sài Gòn (SSI), đây là điểm lo ngại rất có cơ sở và nếu các DN không có sự thay đổi, rất có thể thị trường sẽ lâm vào tình trạng bội thực CP phát hành thêm.

Theo ông Hưng, việc tăng vốn để không ảnh hưởng đến thị trường và NĐT, DN cần có mức thặng dư vốn và lợi nhuận để lại lớn để thực hiện hình thức phát hành CP thưởng.

"SSI cũng tăng vốn nhưng là bằng nguồn vốn tích lũy, chúng ta tìm thời điểm tốt nhất để mang thặng dư về, sau đó thời điểm thị trường không thuận lợi đem ra chia cho cổ đông. Thặng dư vốn và lợi nhuận để lại của SSI hiện nay khoảng 3.000 tỉ đồng. Do đó, lúc mà thị trường không tăng vốn được thì SSI lại tăng", ông Hưng cho biết.

Ông Hưng cũng khẳng định, SSI sẽ còn tiếp tục tăng vốn và mức 3.000 tỉ đồng không phải là quá xa. Hiện vốn chủ sở hữu của SSI đã là trên 4.000 tỉ đồng.

Đại diện NH Sacombank, ông Đặng Văn Thành, cũng cho rằng điểm xuất phát của các DN thấp trong khi thị trường vốn phát triển tốt. Điều đó đương nhiên dẫn đến việc các DN thấy được khả năng tiếp cận huy động vốn.

Kế hoạch phát triển tăng tốc được DN nắm lấy và kế hoạch tăng vốn nhanh cũng là cơ hội. Khi cung lớn trong lúc vì nhiều nguyên nhân đồng vốn quay về chưa kịp và giá CP đi xuống là bình thường.

Sử dụng vốn: NĐT có yên tâm?
Một điều khá thú vị là nhiều đại diện DN vẫn khẳng định kế hoạch tăng vốn sắp tới đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và "chắc chắn thành công". Theo nhận xét của nhiều NĐT, việc tăng vốn tạo áp lực rất lớn lên DN bởi lẽ các dự án không thể "đẻ" ngay ra tiền.

Đại diện Cty Vinafco (mã CK: VFC) thẳng thắn cho biết nếu NĐT kỳ vọng vào lợi nhuận đột biến từ các dự án của Cty trong năm 2008 là khó. Tuy nhiên ban lãnh đạo Cty vẫn cam kết một mức tăng trưởng tốt và sử dụng vốn hiệu quả.

Đại diện CTCK SSI cho biết, Cty đã có kế hoạch sử dụng phần vốn huy động thêm. "Ngay sau khi SSI tăng vốn bằng cách phát hành cho cổ đông và bán cho đối tác nước ngoài, nguồn vốn đã được sử dụng gần hết và đến nay rất hiệu quả.

Lý do cũng rất đơn giản vì SSI có tiền trong thời điểm thị trường rất èo uột. Nếu SSI không có sự kiểm soát tốt quá trình tăng trưởng thì không dám tăng vốn", ông Hưng nói.

Tuy nhiên, ý kiến của nhiều NĐT cũng bày tỏ lo ngại về khả năng sử dụng hiệu quả nguồn vốn tăng thêm bởi chỉ có ở VN mới có tình trạng tăng vốn kiểu "chín ép" cho đạt tiêu chuẩn niêm yết (80 tỉ đồng).
Những cái bàn trống

Ngày 16.12, lần đầu tiên cộng đồng các DN niêm yết có cuộc "ra quân" rầm rộ tại Trung tâm Hội nghị quốc gia để tiếp xúc với các NĐT cá nhân. Theo ý kiến của nhiều Chủ tịch HĐQT, TGĐ, đây là cơ hội vàng để tiếp xúc với giới đầu tư cá nhân.

Cuộc ra quân lần nay hoành tráng hơn nhiều so với hai lần tiếp xúc trước tại HN và TPHCM khi chỉ có 5,6 DN "đầu đàn" và số lượng NĐT cũng hạn chế hơn rất nhiều. Ý nghĩa của lần tiếp xúc này không chỉ "hợp thời" khi Hiệp hội các DN niêm yết chính thức ra mắt mà còn đúng thời điểm thị trường đang chao đảo, NĐT nhỏ lẻ mất phương hướng.

Chỉ đáng tiếc "bữa tiệc thông tin" mà NĐT cá nhân mong đợi lại có nhiều "sạn" khi chỗ ngồi của một số đại diện DN bỏ trống mà không rõ lý do. Nhiều NĐT tỏ ra rất bức xúc khi mong chờ để được nhận thông tin chính thức từ DN - và sẵn sàng ngồi đợi khá lâu - đã không được đáp ứng.

Một thực tế nữa cũng khiến không ít NĐT chán nản là một số diễn giả lặp lại điệp khúc thông tin chung chung mà ai cũng biết trong khi điều mà giới đầu tư mong chờ là kết quả kinh doanh mới nhất, về khả năng hoàn thành kế hoạch vì trong thời điểm thị trường đi xuống, nhiều NĐT kỳ vọng vào những con số lợi nhuận khả quan cuối năm để họ có thêm niềm tin khi nắm giữ CP.

Cuộc giao lưu cũng cho thấy một sự phân loại khá rõ ràng khi trở thành nơi "độc diễn" của một số DN biết cách "đánh" vào nhu cầu thông tin của người nghe và nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng. Trong khi đó, có những đại diện chỉ trả lời vài ba câu hỏi chung chung và bên dưới chỉ lác đác thính giả khi số đông đã bỏ sang tìm thông tin từ những DN khác. Sự phân loại đó cũng phần nào cho thấy mối quan tâm của NĐT tới từng mã CP trên sàn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây