 |
Các NH đua nhau tăng lãi suất (Ảnh minh họa)
|
Ngày 6/6/2008 Thống đốc NHNN đã có công văn khẩn số 5063/NHNN-QLNH gửi đến tất cả các NHTM yêu cầu kiểm tra giám sát các hoạt động thu đổi ngoại tệ trên cả nước, theo đó các chi nhánh, đại lý thu đổi ngoại tệ chỉ được phép bán ngoại tệ cho NHNN chứ không được bán cho các cá nhân. Liệu biện pháp trên có ổn định được thị trường?
Theo ghi nhận của phóng viên Tổ quốc thì những ngày đầu tháng 6 tỷ giá giữa đồng USD và VND đã có những đợt tăng giá bất thường từ trên 16.000 lên trên 18.000 VND/USD, có lúc lên tới 18.500 VND/USD. Trước biến động bất thường đó người dân hốt hoảng đổ xô đi mua vội USD để tích trữ bảo tồn giá trị với tâm trạng lo sợ đồng tiền VND mất giá mạnh sau khi có công bố chính thức chỉ số CPI 5 tháng đầu năm đã lên tới mức 25%/năm.
Những bất ổn kinh tế vĩ mô
Hầu hết các đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam gần đây đều cho rằng nền kinh tế VN đang tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, lạm phát tăng cao đe dọa đời sống sản xuất và tiêu dùng, cán cân thanh toán vãng lai đang thâm hụt lớn… Quốc hội họp đã thông qua điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2008 xuống còn 7%. Nhận thấy nguy cơ lạm phát sẽ tăng cao trong năm nay ngay từ tháng 3 Chính phủ coi kiềm chế lạm phát là một nhiệm vụ trọng tâm kinh tế hàng đầu của đất nước trong thời gian từ nay đến hết năm.
Sự sụt giảm liên tục của TTCK và thực sự lâm vào khủng hoảng khi vượt qua ngưỡng đáy của năm 2006 xuống dưới 400 điểm. Cùng với TTCK là thị trường bất động sản cũng đang đóng băng và giảm xuống nhanh chóng làm thất thoát lượng vốn to lớn của Nhà nước thông qua các Tập đoàn và TCT NN đầu tư vào hai thị trường này. Vật giá liên tục leo thang, nhất là nhóm hàng lương thực và hàng nguyên nhiên liệu gây áp lực lên lạm phát ở nhiều nước.
Thị trường tài chính-tiền tệ luôn bất ổn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới cũng như do hậu quả của chính sách thả nổi đồng tiền nội tệ trong một thời gian dài.
Nhập siêu 5 tháng đầu năm đã đạt con số kỷ lục, tạo ra thâm hụt cán cân thương mại rất lớn.
Tất cả những yếu tố trên đây đã buộc Chính phủ phải có những biện pháp cấp bách để giải quyết nhằm ổn định thị trường, trong đó nhóm giải pháp tiền tệ được áp dụng mạnh mẽ nhất.
Các biện pháp mạnh mẽ
Trước hết, để cứu TTCK Chính phủ đã chỉ đạo TCT SCIC bỏ tiền ra mua cổ phiếu, tuy nhiên không cứu vãn nổi. Tiếp theo là khi TTCK sụp đổ cùng với bong bong bất động sản xẹp xuống thì nhiều ngân hàng và doanh nghiệp thiếu khả năng thanh khoản buộc đẩy lãi suất huy động lên cao. NHNN đã khống chế lãi suất trần huy động ở mức 12%/năm. Việc quy định lãi suất trần đã gặp nhiều phản ứng tiêu cực từ phía thị trường khi mà khá nhiều DN đang gặp phải khó khăn trong vấn đề thanh khoản.
Tiếp theo NHNN đã phải tăng lãi suất cơ bản lên 12% và bỏ lãi suất trần huy động, khống chế lãi suất cho vay ở mức 18% để tăng thêm tính thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên biện pháp này vẫn chưa giải tỏa được khó khăn trong khả năng thanh toán của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp, nhất là các DN vừa và nhỏ. Cuộc đua gia tăng lãi suât huy động của nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục diễn ra.
Cho đến nay đã có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất huy động lên 16%/năm và kèm theo nhiều chính sách khuyến mãi bằng vàng, bằng tiền và hiện vật… Điều đó chứng tỏ các DN đang rất khát vốn để trang trải cho các nhu cầu cấp bách trong thanh toán những khoản nợ đến hạn phai trả, cũng như cần vốn cho việc nhập khẩu hàng hóa cần thiết phục vụ nhu cầu kinh doanh và sản xuất. Ngày 10/6 một lần nữa NHNN đã phải nâng lãi suất cơ bản lên 14%, một động thái tích cực nhằm hỗ trợ tính thanh khoản của thị trường. Một cuộc đua tăng lãi suất huy động mới lại bắt đầu.
Mới đây, việc NHNN ra chủ trương kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động thu đổi ngoại tệ của các đại lý của các NHTM trong cả nước cũng không ngoài mục đích giúp ổn định thị trường tiền tệ. Trong mấy ngày qua thị trường giao dịch ngoại tệ tự do gần như tê liệt bởi sự giám sát chặt chẽ của công an kinh tế và lực lượng quản lý thị trường.
Một nghịch lý đặt ra là các quầy đại lý thu đổi ngoại tệ chỉ được quyền mua vào chứ không được quyền bán ra và chỉ được bán cho các NHNN. Thật là biện pháp phi thị trường vì tỷ giá mà các đại lý mua vào đã cao hơn tỷ giá liên ngân hàng mà nhà nước quy định. Có ai lại đi mua đắt bán rẻ bao giờ? Phản ứng đương nhiên là sẽ hình thành các cuộc giao dịch ngầm (chợ đen) giữa các đại lý và khách hàng và tỷ giá trên thị trường đen này cũng mặc nhiên mà hình thành và luôn cao hơn Nhà nước. Để kéo tỷ giá VND/USD sát với giá thị trường ngày 11/6 NHNN đã điều chỉnh tỷ giá đồng USD lên 16.461VND/USD, tăng 322 VND so với các mức tăng 5-10 VND trước đó.
Nhà nước và thị trường
Trong một nền kinh tế thị trường hoàn hảo thì sự can thiệp của Nhà nước là luôn cần thiết, giúp cho thị trường ổn định và phát triển. Tuy nhiên sự can thiệp đó phải luôn linh hoạt và có tầm dự báo chiến lược và chủ yếu bằng các chính sách kinh tế. Sự kết hợp các biện pháp kinh tế với các biện pháp hành chính là cần thiết trong giai đoạn thị trường chưa hoàn hảo. Tuy nhiên nếu chỉ can thiệp bằng các biện pháp hành chính thì thị trường sẽ biến dạng và hoạt động ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ. Không thể phủ nhận được tính hiệu quả tức thời của các biện pháp hành chính khi mà tâm lý đầu cơ làm sai lệch các thông tin đúng đắn về thị trường. Nhưng nếu các biện pháp hành chính đó kéo dài sẽ lại làm tê liệt thị trường và tạo ra tâm lý lo sợ bất an trong dân chúng cũng như các nhà đầu tư.
Yếu tố tâm lý ổn định là cực kỳ quan trọng đối với các nhà đầu tư muốn đầu tư lâu dài. Có lẽ người dân đã sống trong cơ chế bao cấp, mệnh lệnh tập trung trong một thời gian dài nên cũng đã hình thành một tâm lý ỷ lại vào vai trò của Nhà nước, nhất là đối với các DNNN. Họ mất đi tính chủ động tích cực cấn có đối với một DN để thích ứng với thị trường. Do hệ thống chính sách kinh tế thiếu tính ổn định mà nó hình thành tâm lý chụp giật, ăn xổi và đánh quả theo phong trào. Những đợt sốt giá nhà đát, chứng khoán, gạo hay vàng… đã chứng minh rõ cho xu hướng chạy theo phong trào và bày đàn đó. Điều đó tác động tiêu cực trở lại đối với nền kinh tế và tạo ra các yếu tố bất ổn định lâu dài.
Ở đây chúng ta bắt gặp mâu thuẩn giữa những người hoạch định chính sách kinh tế của Nhà nước và các DN cũng như các nhà đầu tư. Các nhà hoạch định chính sách muốn ổn định thị trường nhanh chóng nên đã đưa ra các biện pháp hành chính như cấm đoán, bắt phạt… Còn những người sản xuất và tiêu dùng thì để đối phó lại đã không tính đến chuyện làm ăn lâu dài mà chỉ tính đến lợi ích ngắn hạn.
Cho đến nay chúng ta vẫn chưa thoát khỏi tư duy kinh tế nhà nước, tư duy của thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp, tư duy của một cơ chế không khuyến khích tạo dựng các giá trị mới mà chỉ khuyến khích tâm lý hưởng thụ, tích trữ đầu cơ và phô trương hình thức.
Mâu thuẫn giữa tư duy kinh tế nhà nước và ý muốn tạo dựng cơ chế kinh tế thị trường góp phần tạo ra những bất ổn cho nền kinh tế đang tồn tại. Sự kết hợp hài hòa giữa vai trò điều tiết Nhà nước và cơ chế vận hành thị trường là một bài toán khó buộc chúng ta phải giải quyết. Nếu Chính phủ quyết tâm xây dựng cơ chế kinh tế thị trường thì điều kiện tiên quyết là phải tôn trọng các nguyên tắc thị trường, quy luật cung cầu và để cho thị trường tự điều tiết. Có thể nói các biện pháp can thiệp hành chính luôn tỷ lệ nghịch với các quy tắc vận hành của thị trường, đôi khi nó triệt tiêu lẫn nhau.
Công khai và minh bạch thông tin
Muốn xây dựng một nền kinh tế thị trường lành mạnh thì cần thiết phải công khai và minh bạch hệ thống thông tin tài chính. Hiện nay chúng ta rất khó biết tài sản và vốn nhà nước đang được để vào đâu, có được sử dụng hiệu quả hay không? Ngay trong thời gian qua khi mà Chính phủ yêu cầu SCIC can thiệp vào thị trường chứng khóan thì cũng không có số liệu nào cho hay là SCIC đã bỏ ra bao nhiêu tiền để mua các cổ phiếu và mua bao nhiêu loại? Vì sao có những Tổng công ty NN có thể vay được số tiền (gọi là huy động) gấp tới mấy chục lần vốn tự có của TCT đó? Với lãi suất cơ bản là 12% và lãi suất cho vay không vượt quá 150% thì DN nào có quyền được vay? Chắc chắn không phải là các DN vừa và nhỏ. Sự không công khai và minh bạch thông tin đã tạo nên một tổ tò vò mà chui vào đó các DNNN làm gì không ai kiểm soát được.
Thiếu thông tin công khai và minh bạch tài chính thì các dự báo chiến lược cũng rất khó mà có cơ sở khoa học để mà dự báo. Không dự báo được thì khó mà có chính sách kinh tế phù hợp để giải quyết những bất ổn trong nền kinh tế. Một vòng luẩn quẩn không lối thoát.
Tự cứu lấy mình và tâm lý đầu cơ
Trước tình hình đó, người dân không biết trông cậy vào ai nên họ tự chọn lấy giải pháp “tự cứu lấy mình” bằng những toan tính thiệt hơn đối với những tài sản vốn có trong tay. Việc rút tiền từ nhà băng này qua nhà băng khác là điều dễ hiểu đối với nhiều người. Tâm lý đầu cơ cũng vì thế mà hình thành. Tích lũy dành dụm, chờ thời càng làm cho yếu tố đầu cơ tăng lên và vô hình chung tạo ra các giá trị ảo cũng như thị trường ảo.
Chỉ có minh bạch thông tin, công khai thông tin cùng với tôn trọng các quy luật thị trường mới giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn việc gì nên làm và việc gì không , qua đó hạn chế được những biến động thái quá của thị trường, góp phần ổn định thị trường hơn.