Khởi động lộ trình mở room

Nên cụ thể hóa những ngành kinh doanh có điều kiện và đưa luôn hạn mức sở hữu tối đa.

Theo nhận xét ban đầu của một số chuyên gia, việc sửa đổi Quyết định 36/2003/QĐ-TTg là thông điệp khẳng định chủ trương tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NĐTNN tham gia đầu tư vào Việt Nam, tuy nhiên, quy chế nên cụ thể hóa tỷ lệ sở hữu tối đa của những ngành, nghề cần hạn chế, những lĩnh vực cần bảo hộ theo cam kết WTO để trong quá trình thực thi, cả NĐT và cơ quan quản lý đều dễ dàng thực hiện.

Nếu như theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 36, NĐTNN được góp vốn, mua cổ phần với mức “cứng” không quá 30% vốn điều lệ của DN thì dự thảo quy chế mới mở hơn rất nhiều. Cụ thể, NĐTNN mua cổ phần của các công ty đại chúng theo tỷ lệ quy định của pháp luật về chứng khoán, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc mua cổ phần của NĐTNN trong các công ty cổ phần đại chúng. 

NĐTNN góp vốn, mua cổ phần của DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực, ngành, nghề thuộc pháp luật chuyên ngành theo tỷ lệ quy định của pháp luật chuyên ngành đó. Đối với DN 100% vốn nhà nước thực hiện cổ phần hoá, phát hành cổ phần lần đầu, NĐTNN mua cổ phần theo tỷ lệ quy định tại phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không vượt quá 30% vốn điều lệ của DN cổ phần hoá. Ngoài các trường hợp nêu trên, NĐTNN được góp vốn, mua cổ phần trong các DN Việt Nam với mức không hạn chế.

Một trong những điểm mới của Dự thảo khi quy định về các hình thức đầu tư là bổ sung trường hợp NĐTNN được mua lại một phần vốn, hoặc góp vốn với chủ DN tư nhân để chuyển DN tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và trở thành thành viên góp vốn của công ty đó. Dự thảo cũng quy định rõ điều kiện để NĐTNN tham gia đầu tư vào các DN Việt Nam. Trong đó, ngoài việc phải mở tài khoản tại ngân hàng, họ còn phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hộ chiếu...

Dự thảo cũng đưa ra quy định về hình thức thanh toán góp vốn, mua cổ phần bao gồm bằng VND, ngoại tệ tự do chuyển đổi và các tài sản hợp pháp khác. Trường hợp góp vốn, mua cổ phần bằng ngoại tệ được quy đổi thành VND theo tỷ giá do Ngân hàng Ngoại thương công bố tại thời điểm góp vốn, mua cổ phần. Nếu NĐTNN góp vốn, mua cổ phần bằng ngoại tệ với số lượng lớn thì phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), lâu nay Quyết định 36 với room đánh đồng 30% vốn điều lệ đã hạn chế việc thu hút thêm vốn từ NĐTNN để DN mở rộng quy mô vốn đáp ứng nhu cầu phát triển. Cam kết gia nhập WTO của Việt Nam cũng thể hiện NĐTNN được tham gia đầu tư vào DN với tỷ lệ cao hơn hạn mức trên, tùy từng lĩnh vực, khung pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài của Việt Nam phải được sửa đổi hoàn thiện cho phù hợp với cam kết quốc tế...

Một góp ý của VAFI cho trường hợp này là Ban soạn thảo nên cụ thể hóa những ngành kinh doanh có điều kiện và đưa luôn hạn mức sở hữu tối đa theo quy định của pháp luật chuyên ngành và các cam kết WTO để cả NĐTNN và cán bộ thực thi pháp luật nắm rõ. “Trên thực tế, ít có cán bộ kinh doanh nào mở hết các quy định về WTO để soi chiếu. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, khi bán cổ phần cho NĐT trên 5% vốn điều lệ, DN phải đăng ký tại Sở Kế hoạch Đầu tư, nhưng quy định này chưa có hướng dẫn, khiến nhiều tổ chức vẫn phàn nàn khâu đăng ký thường mất thời gian và thủ tục phức tạp”, ông Hải nói.

Còn theo ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng phân tích Kinh tế, Viện Kinh tế - Xã hội Hà Nội, tỷ lệ cổ phần bán cho NĐTNN của DNNN sau CPH ở mức 30% vốn điều lệ là quá thấp, thực tế khi chuyển đổi hình thức hoạt động DN mà tỷ lệ sở hữu nhà nước quá lớn thường không tạo ra chuyển biến lớn cho DN, việc CPH vì vậy không còn nhiều ý nghĩa.

Nên chăng đưa ra 2 lĩnh vực, DN nào Nhà nước cần độc quyền thì khống chế tỷ lệ sở hữu như trên, DN nào không thì nên cho phép đến 49%, thậm chí có thể cao hơn, vì những DN này cũng chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành. “Có những lĩnh vực, Việt Nam đã cho phép thành lập DN 100% vốn nước ngoài thì tại sao lại khống chế 30% ở DNNN chuyển sang CPH”, ông Phong đề cập.

Chia sẻ quan điểm của VAFI, ông Phong cũng cho rằng, nên cụ thể hóa quy chế, bởi nếu để nhiều văn bản quy định về việc mua cổ phần của NĐTNN có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn và chồng chéo. Việc nghiên cứu nhiều văn bản cùng một lúc sẽ khiến cho DN và cả cơ quan thực thi pháp luật lúng túng do sự khác nhau về câu chữ giữa các văn bản.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây