Hàng không VN: Đối mặt với tình trạng khan hiếm máy bay

Gia đình ông Pugiwara Minoru - người Nhật Bản trong buổi đón vị khách thứ 8 triệu của VNA trong năm 2007.
Bên cạnh đó, một Pacific Airlines với tiềm lực mới từ Qantas đang dồn dập mở thêm đường bay mới. Ngay cả Vietnam Airlines - người khổng lồ trên thị trường cũng đã bừng tỉnh sau "giấc ngủ đông" với chiến lược cạnh tranh "hướng tới khách hàng"- cung cấp dịch vụ khách hàng cần- để quyết tâm giữ thị phần chi phối. Song các hãng đều đang phải đối mặt với nạn khan hiếm máy bay.

Mua lỡ nhịp

Một trong những mục tiêu mà tân TGĐ Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh tuyên bố công phá trong năm 2008 đó là giảm tỉ lệ chậm huỷ chuyến. Có thể nói đây cũng là điểm yếu nhất hiện nay của hãng hàng không quốc gia VN.

Tuy nhiên khó khăn lớn nhất vẫn là bổ sung máy bay - ông Minh cho biết: Năm 2008, với 4 chiếc Airbus được nhận tiếp, theo hợp đồng mua 10 chiếc trước đây nên tình hình máy bay sẽ được cải thiện.
 
Tuy nhiên theo tốc độ tăng trưởng hiện nay của VNA thì khoảng hụt hẫng máy bay của VNA sẽ nằm vào thời điểm 2009-2012.

Vừa qua, dù hãng đã đi một bước táo bạo với việc ký hợp đồng đặt mua 47 chiếc máy bay từ nay đến 2015, song máy bay loại đường dài được nhận sớm nhất cũng vào năm 2012. Hiện chúng tôi đang tích cực tìm kiếm các giải pháp để bổ sung đội máy bay.

Cũng theo hai người khổng lồ sản xuất máy bay Boeing và Airbus, các hãng thường phải có kế hoạch đặt hàng trước cho nhiều năm. Hiện nay, với loại máy bay B787 của Boeing, nếu ký hợp đồng bây giờ thì phải đến 2015 mới được nhận hàng.

Sự bùng nổ tăng trưởng của hàng không thế giới, nhất là tại Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Trung Đông cộng với các hãng hàng không có nhu cầu chuyển đổi sang máy bay thế hệ mới đã tạo nên cơn khan hiếm máy bay.

Mặc dù VNA cũng đã nhanh chân ký được 4 chiếc B787 và năm 2009 sẽ được nhận chiếc đầu tiên, song với mức tăng trưởng khoảng 15%/ năm của thị trường nội địa mà VNA chiếm đến 85% thị phần thì sự thiếu máy bay của VNA là nhãn tiền. Bởi tỉ lệ máy bay mua thêm không tương đương với độ "phình" lên của thị trường.

Thuê: Cầu vượt cung

Trong khi việc mua máy bay phải chờ lâu thì việc thuê máy bay cũng gặp khó khăn. Tổng Giám đốc Công ty CP hàng không Pacific Airlines Lương Hoài Nam nhận định: Các hãng hàng không thế giới phát triển quá nóng, nhiều hãng có nhu cầu thuê máy bay để khai thác ngay nên thị trường cho thuê máy bay đang ở tình trạng cung không đủ cầu.

Ông Minh cũng đưa ra nhiều khó khăn khi thuê máy bay: Quả là khó tìm thuê được loại máy bay phù hợp với điều kiện khai thác của VNA.

Hiện hãng đang cần những máy bay chở khách loại lớn, bay đường dài, điển hình như B777-200 ER hay A321 cùng dòng máy bay hãng đang khai thác để đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng không đào đâu ra.

Điều này cũng dễ hiểu vì khi có các loại máy bay đời mới (B787, A350) thay thế, các loại cũ sẽ ít được sản xuất. Hiện có những lô máy bay có tới 30 khách hàng cần thuê.
 
Các Cty cho thuê máy bay còn ra yêu sách các hãng hàng không phải đảm bảo thuê trên 12 năm. Trong khi đó VNA đến năm 2012-2015 là có máy bay nên không thể thuê thời hạn dài. VNA lại không chấp nhận sử dụng máy bay cũ, không an toàn, hiệu quả thấp.
 
Vì thế tới đây thay vì thông báo đấu thầu để chọn nhà cho thuê máy bay, VNA sẽ phải tham gia dự thầu để thuê được máy bay. Khi mà cầu thuê máy bay vượt cung thì người thuê bị ép, song vẫn phải chấp nhận cuộc chơi - TGĐ Phạm Ngọc Minh khẳng định.

Hiện hai hãng đang hoạt động đều vấp phải khó khăn trong việc thuê máy bay. Trong khi đó Vietjet - hãng hàng không tư nhân đầu tiên của VN sẽ hoạt động theo mô hình hàng không giá rẻ, dự kiến nhập cuộc thị trường vào cuối năm 2008 với 3 máy bay đầu tiên, chắc cũng không dễ dàng gì trong việc thuê hoặc mua máy bay trong bối cảnh này.

Vietnam Airlines và VALC hoàn tất hợp đồng mua 12 máy bay Dreamline B787

Ngày 3.1, Tập đoàn Boeing công bố Vietnam Airlines và Công ty cổ phần cho thuê máy bay (VALC) đã hoàn tất  hợp đồng đặt mua 12 chiếc Boeing 787-8 trị giá gần 2 tỉ đôla Mỹ. Vietnam Airlines sẽ mua 4 chiếc máy bay, còn VALC sẽ mua 8 chiếc còn lại để cho Vietnam Airlines thuê lại.

Như vậy, số lượng đơn hàng từ Việt Nam đã nâng tổng số lượng đơn đặt hàng cho dòng máy bay Boeing 787 lên tới 802 chiếc. Đây là đơn đặt hàng thứ hai cho dòng máy bay Boeing 787 Dreamliner của Vietnam Airlines sau khi hãng này đã đặt 4 chiếc 787 vào năm 2005.

Vietnam Airlines là hãng hàng không thứ bảy chọn mua Boeing 787 với cam kết đã được ký từ cuối năm 2004. Chiếc 787-8 đầu tiên của hãng, trong đơn hàng trước, dự định sẽ được chuyển giao vào năm 2009.
 
Vietnam Airlines có kế hoạch sẽ đưa tổng số 20 chiếc 787s đã mua và thuê vào hoạt động trong năm 2015, và  tăng lên 28 chiếc Dreamliners đi vào hoạt động năm 2020. Còn với VALC - Công ty cổ phần cho thuê máy bay - đây là đơn hàng đầu tiên.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây