Huy động vốn: Trông chờ cổ đông mới

Đã có nhiều cảnh báo về tình trạng pha loãng giá cổ phiếu do ồ ạt phát hành thêm.

Tăng vốn qua TTCK sẽ được thực hiện một cách thận trọng, phần vì NĐT hờ hững, phần vì doanh nghiệp khó có thể xây dựng được một phương án kinh doanh thuyết phục cổ đông trong thời điểm này

Nếu như năm 2007 doanh nghiệp huy động vốn ào ào bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, đến năm 2008 xu hướng đó vẫn tiếp tục, thì đến năm 2009 này, tăng vốn qua TTCK sẽ được thực hiện một cách thận trọng, phần vì NĐT hờ hững, phần vì doanh nghiệp khó có thể xây dựng được một phương án kinh doanh thuyết phục cổ đông trong thời điểm này. Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp niêm yết lớn phát biểu: "Bắt cổ đông đóng thêm tiền vào doanh nghiệp là bước đường cùng".

Trong bức thư gửi cổ đông nhân dịp đầu năm 2009, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) giải thích lý do năm 2008 doanh nghiệp không thành công trong kế hoạch tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng. Theo đó, đến tháng 4/2008 KBC vẫn còn đón nhận nhà đầu tư Mekong và Ireka mua cổ phiếu với mức giá từ 105.000 - 110.000 đồng/CP. Đến tháng 7, tháng 8, CTCK Ngân hàng Công thương làm việc để bảo lãnh phát hành 15,2 triệu cổ phiếu với đề xuất mức giá 60.000 đồng/CP. Trước đó, tháng 11/2007, Dragon Capital và Quỹ SSI đã tham gia mua cổ phiếu làm đối tác chiến lược của KBC với mức giá 100.000 đồng/CP, điều chỉnh theo cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 2:1, thì mức giá là gần 70.000 đồng/CP. Do vậy, KBC đề nghị phát hành với giá tối thiểu là 70.000 đồng/CP, nhưng CTCK Ngân hàng Công thương không chấp thuận. Để bảo vệ cổ đông chiến lược nên KBC quyết định đợi thời cơ thuận lợi hơn sẽ phát hành. Ông Tâm cho biết, năm 2009 KBC dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược, song quan điểm trên vẫn được bảo lưu trong quá trình thực hiện phương án phát hành.

Hiện tổng vốn vay ngân hàng của KBC là 169 tỷ đồng, chiếm 5,8% so với vốn chủ sở hữu, do đó Công ty có lợi thế trong việc đàm phán vay vốn với các ngân hàng. Ông Tâm cho hay, hiện có khá nhiều ngân hàng chào KBC gói dịch vụ tín dụng với lãi suất thấp, tận dụng thời điểm Chính phủ kích cầu hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, KBC sẽ đẩy mạnh đầu tư để chuẩn bị sẵn tiềm lực đón nhà đầu tư khi kinh tế thế giới có tín hiệu phục hồi. "Cần vốn, nhưng trong thời điểm này chúng tôi không muốn và cũng sẽ không đưa ra phương án để buộc cổ đông hiện hữu phải đóng thêm tiền. Do vậy, KBC sẽ tăng vốn bằng cách chia thưởng và phát hành riêng lẻ", ông Tâm nói.

Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare) hiện có vốn điều lệ hơn 600 tỷ đồng và có định hướng tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng, song theo ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch HĐQT Vinare thì năm 2009 doanh nghiệp chưa có kế hoạch tăng vốn bằng phương án hút thêm tiền từ cổ đông.

Một doanh nghiệp niêm yết lớn khác là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG) nắm chắc khả năng đợt huy động vốn từ cổ đông hiện hữu cuối năm 2008 không thành công. Thị giá cổ phiếu VCG ngày 14/1/2009 là 15.900 đồng/CP, trong khi giá bán cho cổ đông hiện hữu là 20.000 đồng/CP. Đầu tháng 3/2009 là hạn chót để nhà đầu tư nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm. Theo lời một lãnh đạo của doanh nghiệp này thì Vinaconex có thể phải tìm phương án khác, chẳng hạn phát hành riêng lẻ (với mức giá không thấp hơn 20.000 đồng/CP).

Mới đây, CTCP Đại lý Vận tải SAFI (SFI) thông báo kết quả lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc hoãn phát hành thêm cổ phiếu trong năm 2008 theo phương án phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 với giá 15.000 đồng/CP.

Kết thúc năm 2008, chưa có một thống kê nào của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về việc có bao nhiêu doanh nghiệp không huy động được vốn theo phương án đã được cấp phép, song những ví dụ trên cho thấy thái độ đón nhận từ thị trường. Trong nhiều bản báo cáo và diễn đàn, cảnh báo về tình trạng pha loãng giá cổ phiếu ảnh hưởng xấu tới tốc độ tăng trưởng EPS được nhắc đi nhắc lại. UBCK trong công văn mới đây gửi các công ty đại chúng cũng lưu ý về kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ trong năm 2009. Theo đó, các công ty đại chúng cần thận trọng cân nhắc kế hoạch cũng như quy mô phát hành. Phương án phát hành và phương án, tiến độ sử dụng vốn phải được nêu chi tiết để đưa ra thảo luận tại ĐHCĐ. Mùa ĐHCĐ năm trước, nhiều cổ đông nhỏ lên tiếng than vãn về việc không muốn mất thêm tiền nên bỏ phiếu chống lại việc tăng vốn nhưng bất thành. Có lẽ, trong mùa ĐHĐC năm nay, ngay cả cổ đông lớn cũng không dám mạnh tay "tán thành".

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây