![]() |
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có tuần thứ 2 mất điểm liên tiếp trong năm 2009. Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng không khí rộn ràng của mùa xuân dường như đã bỏ quên không ghé qua sàn chứng khoán. Giao dịch ảm đạm, buồn tẻ vẫn là những từ ngữ quen thuộc để miêu tả diễn biến giao dịch của thị trường trong tuần qua.
Dường như nhà đầu tư đang bận lo sắm Tết cho gia đình hơn là mua chứng khoán vào thời điểm này. Bên cạnh đó, những thông tin mới tích cực hỗ trợ thị trường chưa xuất hiện, trong khi những lo ngại về kết quả kinh doanh cũng như những khó khăn sắp tới của nền kinh tế ngày một nhiều. Tuy nhiên, không hẳn là không có những cơn “sóng chìm”.
|
Kết thúc tuần giao dịch từ 12/01/2009 đến 16/01/2009, trên sàn HOSE có 2 phiên tăng, 3 phiên giảm. Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 306,12 điểm, sau khi mất đi 7,28 điểm (tương đương 2,32%) so với phiên cuối tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch báo giá cả tuần đạt 32.953.570 đơn vị, giảm 38,92% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch cả tuần đạt hơn 756 tỷ đồng, giảm 40,24%.
|
Còn trên sàn Hà Nội, 5 phiên giảm liên tiếp được ghi nhận trong tuần qua đã góp phần vào bảng thành tích 8/11 phiên giảm kể từ đầu năm tới nay. Dường như chỉ số này đang chuẩn bị “chinh phục ngược” lại mức 100 điểm quen thuộc trước đó. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/01/2009, chỉ số HaSTC-Index đạt mức 102,84 điểm, mất 3,33 điểm (tương đương 3,14%) so với phiên cuối tuần trước. Tổng khối lượng giao dịch báo giá cả tuần đạt 16.475.900 đơn vị, giảm 29,99% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch cả tuần đạt hơn 345,86 tỷ đồng, giảm 26,91%.
Mặc dù sàn HOSE có một phiên phục hồi vào cuối tuần, nhưng có vẻ như đây chỉ là hiệu ứng ảnh hưởng bởi sự phục hồi của chứng khoán toàn cầu sau khi sụt giảm mạnh trước đó. Những dấu hiệu về sự không bền vững đã thể hiện rất rõ ngay trong phiên cuối tuần khi các mã bluechip dẫn dắt thị trường không thể tăng mạnh do lực bán rất lớn khi giá tăng.
Trong khi đó, nhà đầu tư vẫn còn chưa nắm rõ việc trì hoãn hiện thuế thu nhập chứng khoán, một phần của chính sách thuế thu nhập cá nhân mới, sẽ được thực hiện như thế nào? Bộ Tài chính thì vẫn đang chờ đợt quyết định cuối cùng về việc sẽ thu thuế trong tháng 5 hay không. Sự thiếu rõ ràng trong vấn đề này cùng với việc kỳ nghỉ Tết sắp đến khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ lưỡng lự khi giao dịch.
Khối lượng giao dịch thấp là một vấn đề khiến nhiều chuyên gia phân tích phải lo lắng. Nếu như giá trị giao dịch không được cải thiện sau kỳ nghỉ Tết, nhiều khả năng thị trường sẽ lại quay về với mức thấp của năm 2008. Thị trường thiếu vắng giao dịch của nhà đầu tư trong nước, do đó khối ngoại lại nổi lên như những người dẫn dắt với tỷ trọng giao dịch chiếm 20-30% giá trị giao dịch toàn thị trường. Mặc dù giao dịch tích cực, nhưng cũng có thể thấy họ lại có xu hướng bán ra nhiều hơn là mua vào.
Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vẫn được được công bố hàng ngày. Tuy nhiên, dường như những doanh nghiệp có kết quả khả quan sẽ công bố sớm. Còn rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang “im hơi lặng tiếng”, điều này khiến thị trường có không ít dự báo về một bức tranh nhiều biến động sau một năm gặp vô vàn khó khăn vừa qua.
Xét về phương diện kĩ thuật, đường VN-Index đang trong kênh giá xuống và bám sát dải dưới của Bollinger band 10 phiên. Các chỉ báo kỹ thuật khác như MACD, MFI, RSI, SO tiếp tục xu thế hướng xuống. Sau khi thủng mức hỗ trợ Fibonacci Retracement 23,6% (309 điểm), hiện VN-Index chỉ còn mức hỗ trợ tâm lý tròn 300 điểm là mức hỗ trợ gần nhất và mức hỗ trợ kỹ thuật đáy 286,85 điểm ngày 10/12/2008. Ngược lại, có thể coi mức kháng cự kỹ thuật gần nhất là 309 điểm và xa hơn là 322 điểm.
Theo nhận định của CTCK HSC, thị trường còn tiếp tục thái độ “thờ ơ” trong một khoảng thời gian nữa. Tuy nhiên nếu thị trường thực sự khởi sắc thì chắc hẳn chỉ số sẽ tăng lên đột biến do dư bán hầu như không có. Việc tích lũy trong thời điểm hiện tại là một ý kiến không tồi chút nào.
Ở góc độ khác, nhà đầu tư nên có những bước đi thận trọng và an toàn hơn khi mà thị trường thế giới đang bắt đầu cho thấy dấu hiệu bất ổn dù có khởi sắc đôi chút trong thời gian gần đây. Nếu so sánh một cách giản đơn, giả sử mốc hỗ trợ VN-Index 300 điểm tương ứng với 2 mốc hỗ trợ DJIA 8000 điểm và Nikkei 8000 điểm. Nếu 2 ngưỡng hỗ trợ đang bị đe dọa của Mỹ và Nhật này bị thủng thì lúc đó ngưỡng hỗ trợ của VN-Index sẽ lại có thể rơi vào tình trạng mong manh hơn bao giờ hết.