 |
Còn 9 vấn đề bị giới đầu tư xếp vào hàng những rào cản hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
|
Những vấn đề đó bao gồm: sự phức tạp, khó hiểu của các quy định pháp luật; các quy định về bảo vệ nhà đầu tư; thời điểm đóng cửa của doanh nghiệp; thủ tục thuế; sự không tuân thủ trách nhiệm được ủy quyền của lãnh đạo công ty; các quy định về phá sản; đăng ký kinh doanh; tình trạng diễn giải quy định theo cách của các địa phương khác nhau; và vấn nạn chi phí không chính thức.
Cùng với những phát hiện không mới này, ông Peter Nelson, chuyên gia độc lập của UNDP cho biết, những giải pháp mà họ đưa ra cũng không có gì mới, đó là bãi bỏ các quy định không cần thiết, chuẩn hóa việc thực hiện các quy định. "Tuy nhiên, với thực tiễn Việt Nam, có vẻ như những giải pháp này nói dễ làm khó. Vì với quan sát của tôi thì việc rà soát để bãi bỏ những văn bản, đặc biệt là hệ thống giấy phép kinh doanh không cần thiết, chồng chéo… là rất khó khăn, nếu như chỉ trông đợi vào hành động của các cơ quan quản lý nhà nước", ông Nelson nói.
Chính vì điều này mà giải pháp đề xuất của các chuyên gia Liên minh châu Âu trong dự án nâng cao năng lực quản lý cho các cơ quan quản lý nhà nước cho tới thời điểm này vẫn chưa thực sự có được sự đồng thuận. Theo đề xuất này thì hàng năm, khoảng 40 - 50% các văn bản cần phải bị "khai tử" do không phù hợp với điều kiện đầu tư, kinh doanh thực tế; cần phải được đặt ra như một mục tiêu cứng, hay có thể nói là áp lực để các cơ quan cùng bắt tay vào việc.
Tuy nhiên, về phía các cơ quan quản lý nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa ra một tỷ lệ cắt giảm lớn song lại không căn cứ vào một chương trình rà soát tổng thể không phải là một giải pháp hợp lý. Quy trình mà các cơ quan quản lý nhà nước muốn làm vẫn là phải lên kế hoạch để thực hiện thu thập thông tin, tiến hành phân tích, phản biện trên căn cứ pháp luật hiện hành trước khi đưa ra kiến nghị có bãi bỏ hay không. Trong khi đó, mong muốn và đề xuất từ giới kinh doanh, đầu tư là căn cứ trên thực tế để phân tích sự cần thiết hay không của các quy định đã ban hành.
Sự khác nhau về mục tiêu làm việc có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trì trệ trong xử lý những vướng mắc giữa các văn bản quy phạm pháp luật cũng như những trở ngại do chính các văn bản này gây nên với môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.
Ông Nelson cho rằng, có lẽ Việt Nam cần chuyển giao phần việc rà soát này sang các tổ chức của DN, của giới đầu tư và chỉ giữ lại quyền thẩm định, quyết định cho mình. Như vậy, một khoản chi phí không nhỏ dành cho công việc rà soát văn bản sẽ được các tổ chức này "gánh" giúp.
Tất nhiên, phần thẩm định, quyết định cũng chỉ có thể phát huy hiệu quả thực tế khi tổ chức thực hiện có được sự độc lập nhất định với các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là phần việc của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm nhiều hơn về tính hợp pháp, hợp hiến của văn bản, của quy trình xây dựng và ban hành văn bản hơn là chất lượng của nội dung văn bản đó.
Cũng cần phải nói thêm là quy trình phân cấp trong quản lý đầu tư hiện nay dù mang lại nhiều kết quả song cũng không phải không xuất hiện những lo ngại. Ông Nelson cho rằng, trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, việc đảm bảo sự thống nhất và tập trung cao trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang là chìa khóa của nhiều giải pháp cho các vướng mắc trong môi trường kinh doanh mà nhà đầu tư đã liệt kê. "Đơn cử như trong thủ tục đăng ký kinh doanh được coi là đột phá lớn song vẫn ở tình trạng mỗi địa phương một cách làm nên trên toàn cục, sự thống nhất và cải thiện chung chưa đạt được", ông Nelson nói.
Cũng tương tự như vậy, việc giám sát để đảm bảo các địa phương không đưa ra những quy định vượt thẩm quyền, vi phạm sự thống nhất trong quy định về đầu tư, kinh doanh phải được thực hiện nghiêm ngặt. Theo ông Nelson, Chính phủ cần phải có những kênh công khai để các địa phương thuận lợi trong phản hồi khi thực hiện các chính sách và cũng có đủ không gian để Chính phủ chủ động can thiệp khi cần thiết.