Chứng khoán vẫn luôn là kênh đầu tư hiệu quả

Ông Lâm Minh Chánh - Ảnh: T.X
Trong năm 2007 đặc biệt là quý 4, VN - Index tăng trưởng không như dự đoán, xin cho biết nhận định của ông về vấn đề này.

- Về tổng quan TTCK là một thị trường tăng trưởng và hấp dẫn. Nếu đầu tư vào VN - Index vào đầu năm ở mức 741,27 điểm và bán ra vào cuối năm ở mức 927,02 điểm, chúng ta sẽ được tỷ suất lợi nhuận khoảng 25%/năm. Còn nếu tính tỷ suất lợi nhuận trong thời gian đầu tư ngắn hạn 3 ngày hoặc 5 ngày hoặc 7, 20 ngày... rồi “năm hóa”, thì chúng ta vẫn được tỷ suất lợi nhuận trung bình từ 20%-32%/năm tùy theo thời gian đã chọn.

Thế nhưng có một điều không thể phủ nhận là VN - Index đã không tăng mà lại giảm trong quý 4, là quý mà thông thường thị trường tăng trưởng. Lý do đầu tiên là nhiều nhà đầu tư (NĐT) không còn rủng rỉnh tiền, thậm chí có nhu cầu rút tiền ra. Đó là do Chỉ thị 03, đồng thời quá nhiều cổ phiếu (CP) đã được và sắp phát hành. Sự nổi lên của kênh bất động sản cũng góp phần làm khan hiếm tiền. Một lý do nữa đó là hiệu ứng về tâm lý của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trên đầu tư chứng khoán. Mức 20% là khá cao và không khuyến khích đầu tư trong thời gian này, do đó tuy chưa áp dụng nhưng nó gây ra tâm lý bất lợi cho thị trường. Việc “giàn xếp” cổ đông chiến lược chưa thành công và IPO hơi trễ của VCB cũng là một tác động tâm lý. Diễn biến không lạc quan của thị trường quốc tế trong một số thời kỳ ngắn hạn cũng góp phần ảnh hưởng đến VN - Index. Ngoài ra, thị trường còn đồn đại về một tác động khác, đó là sự “kiềm” VN - Index của các tổ chức, cá nhân “cá mập” để có thể mua hàng với giá rẻ.

Theo tôi, vấn đề quan trọng hơn không nằm ở việc lý giải nguyên nhân mà là việc chấp nhận kết quả. Việc điều chỉnh như nói trên của TTCK phải xảy ra dù sớm hay muộn. Bởi một TTCK không thể phát triển nóng với tốc độ như vừa qua. Khi thị trường tăng từ 400 điểm đến gần mức 1.200 điểm, tức là gần 200% trong thời hạn ngắn hơn 1 năm, nhiều người đã mong muốn thị trường tăng trưởng mạnh hơn nữa. Đây là một kỳ vọng bất hợp lý và sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong thời gian dài.

Tôi nghiên cứu chỉ số chứng khoán các nước và thấy rằng, trong thời hạn dài từ 10-15 năm, tất cả các thị trường đều có mức tăng trưởng trong giới hạn 1,5 và 3 lần so với mức tăng trưởng bình quân của nền kinh tế nước đó. Nghĩa là những công ty niêm yết tăng trưởng gấp 1,5 đến 3 lần so với nền kinh tế chung. Khi một chỉ số phát triển nóng đạt mức tăng trưởng rất cao 50-300%/năm, chẳng hạn như Thái Lan trong những năm đầu 1990, thì sau đó nó phải “trả nợ” (từ kỹ thuật còn gọi là điều chỉnh), để trở về mức tăng trưởng bình thường trong thời gian dài hạn. Như vậy việc điều chỉnh của VN - Index sau khi tăng trưởng quá nóng trong thời gian ngắn là phải xảy ra.

* Vậy làm sao để thị trường không phải có những điều chỉnh lớn như vậy?

- Nếu không có tăng bất thường lớn thì sẽ không có điều chỉnh giảm lớn. Để thị trường có thể tăng trưởng ổn định, xu hướng đi lên với những dao động lên và xuống không quá lớn, thì phải có sự phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ chủ thể tham gia thị trường chứng khoán, từ Nhà nước đến các định chế, tổ chức và các nhà đầu tư, kinh doanh chứng khoán cá nhân. Tất cả đều phải đóng tròn vai của mình.

Các cơ quan nhà nước nên có một tầm nhìn dài hơi hơn về việc quản lý thị trường. Những quyết định như Chỉ thị 03, thuế TNCN tuy cần thiết nhưng phải được nghiên cứu sâu và dài hơi hơn. Nhà nước cũng nên có quy chế để cân bằng giữa việc phát hành vốn và nợ của các công ty niêm yết; giám sát việc mua bán CP của các cổ đông quan trọng; quản lý để tạo tính thanh khoản cho CP OTC, cho ra đời thêm sản phẩm đặc biệt là dịch vụ “bán khống” để góp phần điều hòa tránh thị trường điều chỉnh giảm quá mức. Một việc nữa cũng không kém phần quan trọng là Nhà nước phải có kế hoạch phổ cập và nâng cao kiến thức về đầu tư chứng khoán cho người dân. Còn đối với NĐT cá nhân, cần phải có kiến thức hay được tư vấn rất kỹ về thị trường, về chiến lược đầu tư, và quan trọng là có một kỳ vọng hợp lý.

* Ông có thể nói rõ hơn thế nào là “kỳ vọng hợp lý”?

- Tất cả các khoản đầu tư nếu có tỷ lệ lãi suất cao hơn lãi suất trái phiếu ngắn hạn của Chính phủ đều có rủi ro của nó. Nghĩa là những tỷ suất lợi nhuận 10-20% cho một phi vụ ngắn, hay trên 30%/năm đều ẩn chứa những rủi ro tiềm tàng. NĐT trung bình chỉ nên kỳ vọng đạt tỷ suất lợi nhuận 15%-30%/năm. Muốn đạt cao hơn, thì hoặc là hên - mà nếu có hên (thắng) thì phải có xui (thua) - hoặc là phải nắm rất vững về thị trường và có chiến lược đầu tư khôn ngoan và hiệu quả.

Theo kết quả nghiên cứu của tôi, đa số những NĐT cá nhân thành công trong thời gian qua áp dụng khá hiệu quả hai trường phái đầu tư: đầu tư theo thông tin và xác định thời gian đúng của thị trường. Hai trường phái này không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả, nhất là khi thông tin trở nên minh bạch, “hàng hời” trở thành của hiếm, thị trường không có xu hướng đi lên rõ ràng... Để tiếp tục thành công, NĐT cá nhân hoặc là phải trang bị kiến thức rất sâu, hoặc là phải được tư vấn tốt hơn.

* Thực tế, hiện hầu hết các công ty chứng khoán (CTCK) chưa đầu tư đúng mức vào việc tư vấn cho NĐT trong khi rất nhiều NĐT cá nhân chưa thể tự mình xác định được cách thức đầu tư, đánh giá tình hình thị trừơng ?

- Đúng vậy. Tuy vẫn có một số công ty làm tốt việc tư vấn này, nhưng trên tổng thể chung, tôi nghĩ các CTCK cần phải hỗ trợ nhiều hơn cho NĐT cá nhân. Với chiến dịch “Diện mạo mới”, Đại Việt cũng đang có những bước chuẩn bị để có thể hỗ trợ cho NĐT nhiều hơn, trong đó quan trọng nhất là việc phổ biến kiến thức và tư vấn đầu tư cho NĐT. Có như vậy thì chúng tôi mới tiếp tục thành công và bứt phá trong những năm sau.

* Ông cho biết nhận định về VN - Index trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn?

- Theo Phòng Phân tích kỹ thuật DVSC, VN - Index đang tiến gần đến điểm 900 vừa là mức hỗ trợ kỹ thuật vừa là ngưỡng tâm lý khá quan trọng. Trong tuần tới có nhiều khả năng VN - Index sẽ biến động nhẹ trong vùng đáy với các điểm hỗ trợ quan trọng là 900, 875.46 và các điểm kháng cự tại 927 và 952,88. Để xác lập một xu hướng tăng giá ngắn hạn, VN - Index cần phải vượt qua mức kháng cự 927,00. Trong khi đó phân tích cơ bản về tương quan giữa thị giá và giá trị nội tại, cho thấy thị trường đang ở mức hợp lý để đầu tư trung và dài hạn. Một số ngành như tài chính, dịch vụ, hàng tiêu dùng... đang có mức P/E trong khoảng 24%-27% - thấp hơn nhiều so với trước đây và khá hợp lý so với tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận là 25%-30%/năm. Những CP này sẽ đem lại hiệu quả lợi nhuận khá hấp dẫn nếu đầu tư trung và dài hạn.

Về đường dài, với mức lãi suất trung bình 15%-25%/năm, tính thanh khoản khá cao, mức độ rủi ro hợp lý, TTCK Việt Nam luôn luôn là một kênh đầu tư hiệu quả, nó phải và sẽ tồn tại song hành cùng nền kinh tế.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây