![]() |
Một trong những định hướng của gói kích cầu 1 tỷ USD đang được Chính phủ triển khai là đầu tư xây dựng nhà ở giá rẻ.
Sẽ nhắm đến những đối tượng chịu tác động nhiều của khủng hoảng kinh tế, như công nhân, viên chức, người lao động thu nhập thấp.
Và ngay trong tuần qua, Bộ Xây dựng đã có tờ trình Chính phủ về chương trình này với đề nghị nguồn vốn bố trí khoảng 2.500 tỷ đồng.
Điều doanh nghiệp và người dân quan tâm hiện nay là, liệu những dự án do Bộ Xây dựng đứng ra làm chủ đầu tư có được thực hiện minh bạch hay lại rơi vào tình trạng xin - cho như nhiều dự án bất động sản dành cho người thu nhập thấp tại Hà Nội và TP. HCM trước đây?
Theo tờ trình, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho phép Bộ được trực tiếp đầu tư xây dựng một số dự án nhà ở xã hội thí điểm tại Hà Nội và TP. HCM, được áp dụng cơ chế đặc thù như chỉ định tư vấn thiết kế, chỉ định thầu xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Quan trọng hơn cả là đề nghị Chính phủ chỉ đạo Uỷ ban nhân dân hai thành phố trên chuyển giao quỹ đất đã được quy hoạch để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho Bộ Xây dựng, để kịp thời thực hiện các thủ tục chuẩn bị triển khai dự án.
Dự kiến, chương trình kích cầu này sẽ triển khai khoảng 4 - 6 dự án, trong đó tại mỗi thành phố sẽ triển khai khoảng 2 -3 dự án, quy mô đầu tư khoảng 10.000 căn hộ, tương đương 500.000 m2 sàn, trong đó có 5.000 căn hộ dành cho công nhân và 5.000 căn dành các hộ gia đình thu nhập thấp, gặp khó khăn về nhà ở (góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 60.000 người tại Hà Nội và TP. HCM); tổng mức đầu tư (kể cả hạ tầng kỹ thuật) khoảng 2.500 tỷ đồng (với suất đầu tư tính tại thời điểm hiện nay khoảng 5 triệu đồng/m2 sàn); quỹ đất cần để xây dựng khoảng 30 - 40 héc-ta; tiến độ thực hiện trong 2 năm (2009 - 2010).
Theo ước tính của Bộ Xây dựng, nếu thực hiện đầu tư xây dựng 500.000 m2 nhà ở thì cần tiêu thụ khoảng 120.000 tấn xi măng, 30.000 tấn sắt thép và nhiều loại vật liệu xây dựng khác, như vậy nhiều ngành sản xuất khác sẽ tiêu thụ được một lượng không nhỏ hàng hóa.
Mặt khác, thông qua đầu tư nhà ở xã hội sẽ góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động của ngành xây dựng và các ngành nghề khác có liên quan.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng, việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội từ nguồn vốn nhà nước sẽ góp phần hình thành quỹ tài sản nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.
Việc khai thác quỹ tài sản này sẽ đảm bảo thu hồi vốn thông qua việc thu tiền cho thuê, thuê mua nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định hướng dẫn thi hành. Mặt khác, đối với quỹ nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư dành để cho thuê, trong quá trình khai thác, sử dụng quỹ nhà này không bị mất đi mà vẫn là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước.
Sau một quá trình khai thác nhất định (trong thời gian tối thiểu từ 20 -30 năm), khi nền kinh tế phát triển, nếu người thuê không còn nhu cầu sử dụng thì quỹ nhà ở này của Nhà nước sẽ được cải tạo, xây dựng lại hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm đạt mục tiêu khai thác, sử dụng có hiệu quả cao hơn. Tại thời điểm đó, quỹ nhà đất này vẫn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và có thể có giá trị kinh tế lớn hơn nhiều so với thời điểm hiện tại.
Trước lo ngại về việc Bộ Xây dựng đảm nhận một phần không nhỏ gói kích cầu 1 tỷ USD này có thể nảy sinh cơ chế xin - cho, đại diện Bộ Xây dựng cho hay, sẽ lựa chọn và chỉ định các đơn vị có đủ năng lực và kinh nghiệm để đảm nhận thực hiện việc quản lý đầu tư xây dựng theo quy định.
Sau khi các dự án nhà ở xã hội thí điểm hoàn thành, Bộ sẽ tổ chức quản lý, khai thác, vận hành quỹ nhà ở này để thu hồi và hoàn trả vốn đầu tư, đồng thời sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ (thiết kế, thi công, quản lý vận hành...) cho các địa phương để triển khai các dự án khác, hoặc có thể chuyển giao quỹ nhà ở này cho chính quyền hai địa phương trên để thực hiện việc cho thuê, thuê mua.
Cũng cần phải nói thêm, chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã có từ vài năm trước, song các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa quan tâm nhiều do không có nhiều điều kiện ưu đãi.
Nay nếu vốn được vay ngân hàng với lãi suất 0%, quỹ đất nằm ở hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. HCM, rõ ràng dự án đang nằm trong tầm ngắm của nhiều doanh nghiệp, được biết một số đơn vị đã đề nghị với Bộ Xây dựng được tham gia chương trình này.
Tuy nhiên, để gói hỗ trợ của Chính phủ nói chung và phần vốn dành cho xây dựng nhà ở xã hội nói riêng được sử dụng thật hiệu quả, một cơ chế thật minh bạch, rõ ràng cần được đặt ra ngay từ lúc lên phương án triển khai.