Việc theo dõi động thái của NĐTNN trong mỗi phiên giao dịch là cần thiết, nhưng nhà đầu tư trong nước cần thận trọng đánh giá thông tin này làm cơ sở cho quyết định mua - bán.
Sau một thời gian khá dài bán ròng, nhà ĐTNN lại chuyển sang mua ròng. Trong 5 phiên giao dịch gần nhất, kể từ ngày 10/12 đến ngày 16/12, trên sàn HOSE, nhà ĐTNN có 4 phiên mua ròng, tổng cộng 115,7 tỷ đồng, chỉ có 1 phiên bán ròng 3,9 tỷ đồng vào ngày 12/12.
Có thể, khi giá chứng khoán giảm đến mức quá thấp (VN-Index ngày 10/12 giảm xuống 286,85 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2006) khiến họ phải hãm lại việc bán.
Thực tế thì giá trị bán trong 5 phiên vừa qua đã giảm rất mạnh so với những phiên trước đó. Sức cung được hãm lại, sức cầu nhờ đó cũng tăng được đôi phần, vì nhiều nhà đầu tư trong nước mua theo động thái của nhà ĐTNN.
Trước đó, thống kê của một số CTCK cho thấy, áp lực bán của nhà ĐTNN giảm đi trong tháng 11 so với tháng 10. Giá trị bán của họ trong mỗi phiên giao dịch đã giảm hẳn.
Tuy nhiên, điều này không hẳn xuất phát từ yếu tố chủ quan của bên bán, mà chủ yếu là do khả năng hấp thụ của thị trường, cụ thể là lực cầu của nhà đầu tư trong nước giảm dần.
Một số CTCK và nhà đầu tư lớn nhận định, nhà đầu tư ngoại gần đây có chiến lược bán giữ giá. Tức bán nhiều vào đợt 1, đợt 2, ngừng bán vào cuối đợt 2, đợt 3 để giá nhích lên.
Hôm sau họ có thể tiếp tục bán được ở mức giá tham chiếu bằng ngày hôm nay, chứ không phải bán với mức giá tham chiếu bằng giá sàn của ngày hôm nay.
Khối lượng cổ phiếu nhà ĐTNN nắm giữ có giới hạn và bên bán chủ yếu là quỹ đầu tư ủy thác, nên bán mãi thì áp lực bán sẽ giảm đi, nhưng giảm đi không có nghĩa là việc nhà ĐTNN mua ròng trong vòng một vài phiên là tín hiệu mua vào cho nhà đầu tư trong nước.
Riêng với một vài cổ phiếu riêng lẻ thì khi cổ đông nước ngoài công bố bán khối lượng lớn, nhà đầu tư trong nước nên theo dõi khối lượng bán hàng ngày để xác định thời điểm nhà ĐTNN bán hết số cổ phiếu nắm giữ và mua vào trong ngày cuối cùng của đợt xả hàng, bởi giá cổ phiếu thường quay đầu khi nhà ĐTNN xả hết hàng.
Trường hợp của TDH là một ví dụ, khi cổ đông lớn bán hết hơn 1 triệu cổ phiếu, cổ phiếu TDH lập tức quay đầu tăng giá. Một vài nhà đầu tư trong nước không để ý đến thông tin này có thể đã bán theo vào ngày cuối với giá thấp, tạo cơ hội cho nhà đầu tư khác mua vào cổ phiếu ở mức giá đáy.
Việc Công ty Tài chính quốc tế (IFC) công bố bán 16 triệu cổ phiếu STB đầu tuần này rất có thể khiến nhiều nhà đầu tư trong nước lo ngại thái quá, bán ra cổ phiếu trên. Khi lượng cổ phiếu bán ra của IFC tìm được chủ mới thì nhiều khả năng giá cổ phiếu STB sẽ nhích lên.
Do vậy, việc theo dõi động thái của nhà ĐTNN trong mỗi phiên giao dịch là cần thiết, nhưng nhà đầu tư trong nước cần thận trọng đánh giá thông tin này làm cơ sở cho quyết định mua - bán. Động thái mua ròng hay bán ròng của nhà ĐTNN với từng cổ phiếu có thể đem lại cơ hội kiếm lời, nhưng cũng có thể là cái bẫy…