Kinh tế VN: Đánh giá và khuyến nghị

Bài báo với tựa Vietnam: "Beyond Fish and Ships" (Việt Nam: Tiến xa hơn Thủy sản và Đóng tàu) mở đầu bằng việc đánh giá một số thành tựu trong chiến lược kinh tế biển của Việt Nam.

Việt Nam hiện coi thủy sản, đóng tàu, dầu khí và du lịch biển là thế mạnh.

Chính phủ hy vọng cho tới năm 2020 thì các ngành vừa kể sẽ chiếm tới phân nửa GDP so với mức 15% vào năm 2005.

Ngoài kinh tế biển, VN cũng đang nổi lên như nhà xuất khẩu hàng đầu về cà phê, hồ tiêu, cao su, hàng may mặc và giầy dép.

Kinh tế với xuất khẩu các mặt hàng dạng thô cũng giải quyết được hàng triệu lao động giản đơn mà đa số lao động là nữ và đến từ vùng nông thôn.

Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo rằng việc dựa vào lao động rẻ không phải là chiến lược phát triển có tính sống còn về lâu dài.

 Có các thế lực trong bộ máy của Đảng và Nhà nước đang hưởng lợi về kinh tế muốn duy trì cơ chế hiện nay
 
Far Eastern Economic Review

Đó là bởi giá trị từ lao động trực tiếp của hàng gia công chỉ chiếm 3-4% tổng chi phí thành phẩm chưa xuất khẩu và chiếm chưa tới 1% giá của sản phẩm khi mang ra bán lẻ.

Đối với các nhà đầu tư thì các chi phí khác như giá điện, vận tải, viễn thông, an ninh, chi phí hành chính và tham nhũng có thể coi là ngang hoặc thậm chí quan trọng hơn giá nhân công ở VN.

Theo A.T. Kearny, một hãng tư vấn quản lý, thì giá điện tại VN tương đương với Trung Quốc và Thái Lan và cao hơn giá điện tại Indonesia và Malaysia.

Chi phí vận tải đuờng biển của VN nằm trong số 5 nước cao nhất. Giá cước viễn thông và giá thuê văn phòng cũng rất cao.

Các kinh tế gia chỉ ra rằng VN nên chuyển dần từ nền kinh tế gia công vốn sử dụng nhiều nguyên vật liệu phải nhập sang các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Thực tế cho thấy thành công từ các nước Đông Á cho thấy họ chủ động tập trung vào các mặt hàng như điện tử, xe hơi, ... vốn đang chiếm thị phần ngày càng tăng tại Bắc Mỹ và Âu châu.

Tuy nhiên để thực thi được hướng đi "công nghệ cao" thì đòi hỏi phải có những thay đổi về chính sách một cách nhất quán đối với một loạt các vấn đề từ quản lý kinh tế vĩ mô tới cải cách hệ thống pháp luật.

Các kinh tế gia (tác giả bài báo) khuyến nghị ba ưu tiên cho các nhà hoạch định chính sách.

Những điểm cần xem lại

Thứ nhất họ chỉ ra rằng VN cần chú trọng nhiều hơn về giáo dục.

VN thừa tài năng "thô" và thiếu "kỹ năng ứng dụng"

Việt Nam không thiếu "tài năng thô" khi ra thử sức tại kỳ thi toán Quốc tế nhưng các trường đại học lại không tôi luyện được các nhân tài này để sử dụng kỹ năng của họ vào các ngành công nghiệp hoặc đưa họ vào các dự án nghiên cứu phục vụ cho lợi ích kinh tế.

Các trường đại học VN cũng có số các tạp chí và ấn phẩm công nghệ và khoa học thấp nhất trong vùng.

Trung Quốc mặc dù dành ít ngân sách hơn cho giáo dục so với VN nhưng một số trường đại học tốt nhất của Trung Quốc đang gần đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Xét về thị trường vốn tại VN như điểm đáng khuyến nghị thứ hai, bài báo nhận định rằng trong khi doanh nghiệp khó kiếm tín dụng dài hạn thì các nhà đầu tư trong nước đổ xô vào thị trường chứng khoán vốn đang quá nóng.

Các tác giả nhận xét rằng giá cổ phiếu không được phản ánh dựa trên thực lực công ty.

Chứng khoán tay trong

Thị trường chứng khoán được thao túng bởi các vụ mua bán nội gián và thực trạng xào nấu thông tin.

 Thị trường chứng khoán bị thao túng bởi các vụ mua bán nội gián và thực trạng xào nấu thông tin
 

Khảo sát của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) cho thấy các công ty lớn nhất của Việt Nam đang đầu cơ khá nhiều vào bất động sản và thị trường chứng khoán nhằm thu lời nhanh chóng.

Tức là những động thái này cùng với thực tế doanh nghiệp khó đi vay là chỉ dấu rõ ràng là thị trường vốn đang không hoạt động theo mục đích ban đầu của nó là huy động vốn nội địa và đưa vốn này vào các dự án đầu tư mới.

Tác giả bài báo cũng lưu ý các nhà hoạch định chính sách về một điểm thứ ba là hạ tầng cơ sở tại VN còn kém.

20 năm đổi mới kinh tế nhưng hiện VN chưa có một cảng nào đáp ứng được tàu biển cỡ lớn.

Dự án xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên, vốn được khởi động năm 1995 với dự kiến chi phí là 1.3 tỷ đôla nay được lên kế hoạch sẽ hoàn tất vào năm 2009 với chi phí là 2.5 tỷ đôla.

Lỗi hệ thống?

Bài báo nói rằng hệ thống chính trị VN cho thấy lợi ích kinh tế (đất, cổ phiếu, tín dụng...) được dàn trải đủ phần cho các chóp bu chính trị nhằm để đảm bảo ổn định và đoàn kết vùng miền cũng như giữ êm thấm cho các phe phái trong Đảng Cộng Sản cầm quyền.

Thế nhưng trong khi lợi ích chính trị được tư nhân hóa thì phí tổn kinh tế đang đè nặng lên bề mặt xã hội.

Dân khiếu kiện về đất đai lan vào tới thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng Bảy

Chất lượng kém của trường bậc phổ thông và đại học đã buộc các gia đình trung lưu vay mượn đủ kiểu để cho con vào trường tư hoặc cho con du học ở nước ngoài.

Việc trì hoãn thực hiện hoặc đội giá công trình công cộng làm chậm lại đà phát triển kinh tế và hút vốn từ các khu vực như y tế và giáo dục.

Giá đất cao ngất buộc dân nghèo thành thị sống chen chúc và nảy sinh các vụ khiếu kiện đất đai khi quan chức vơ các mảnh đất với giá rẻ để bán nhằm lấy lãi.

Bài báo cho rằng nhu cầu cần qui trách nhiệm công chức sẽ tăng trong bối cảnh xã hội ngày càng được đô thị hóa và kinh tế trở nên đa dạng và mở rộng.

Thế nhưng các tác giả cũng nói rằng cũng có các thế lực trong chính phủ và trong bộ máy của đảng và nhà nước, hiện đang hưởng lợi từ các lợi ích kinh tế, muốn duy trì cơ chế như hiện nay.

Nguyên văn bài tiếng Anh Vietnam: "Beyond Fish and Ships" do các tác giả Jago Penrose, Jonathan Pincus và Scott Cheshier đăng trên FEER số tháng Chín 2007. Jago Penrose là một nhà tư vấn đóng tại Hà Nội, Jonathan Pincus hiện là trưởng kinh tế UNDP, còn Scott Cheshier hiện làm bằng tiến sĩ ở Queen Mary University of London. Bài viết thể hiện quan điểm của các tác giả.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây