Lỗ hổng kiểm soát đồ chơi nhập khẩu

 
 
Mặc dù đã có quy định liên quan đến kiểm soát đồ chơi trẻ em nhập khẩu độc hại, thế nhưng hàng độc hại vẫn lọt lưới tuồn ra thị trường, chỉ đến khi dư luận phản ảnh, cơ quan chức năng mới vào cuộc.
 

Theo quy định của quy chuẩn quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em, tất cả sản phẩm đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu phải được kiểm định chất lượng, gắn dấu hợp quy CR trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Và dù quy định gắn tem hợp quy CR kiểm định chất lượng sản phẩm có hiệu lực hơn ba năm (từ ngày 15-9-2010) nhưng tình trạng các sản phẩm đồ chơi trẻ em không dán tem, hoặc dán “tem lụi” rất phổ biến.

Không quản lý được tem...

Qua khảo sát thực tế mới đây, đại diện thanh tra Bộ Khoa học - công nghệ cho biết có đến 40% đơn vị kinh doanh đồ chơi trẻ em khẳng định họ không biết gì về quy chuẩn hoặc có nghe, có thấy nhưng rất mơ hồ. Dán tem CR lên các sản phẩm trẻ em được xem là giải pháp giúp phân biệt sản phẩm đã được nhập khẩu chính ngạch và kiểm định chất lượng. Tuy nhiên theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, việc dán tem CR hiện quá dễ dãi khiến việc quản lý trở nên khó khăn, rối rắm hơn.

Hiện nay đơn vị sản xuất, nhập khẩu tự in tem CR, sau đó giao cho các cơ sở kinh doanh dán lên sản phẩm. Điều này tạo ra sự nhập nhằng giữa sản phẩm nhập lậu, chưa được kiểm định chất lượng với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch. “Cơ quan quản lý được quyền yêu cầu đơn vị kinh doanh cung cấp các hồ sơ nhập khẩu, kiểm định. Tuy nhiên việc phân định loại nào đã được kiểm định, sản phẩm nào chưa còn rối rắm. Điều này là quá khó với người tiêu dùng” - một cán bộ quản lý thị trường TP.HCM cho hay.

Theo ông Ngô Bách Phong - chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, việc hàng loạt vụ phát hiện sản phẩm chứa chất độc như thú nhún, búp bê đầu trái cây của nước ngoài cho thấy các cơ quan quản lý của chúng ta thường xuyên đi sau. Việc tiến hành kiểm tra chất lượng được thực hiện khi “nghe ngóng” đơn vị truyền thông, người tiêu dùng... phản ảnh về sản phẩm. Thậm chí khi đã phát hiện sản phẩm độc hại nhưng việc xử lý, thu hồi sản phẩm không được thực hiện triệt để.

“Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy hầu hết các phát hiện sản phẩm kém chất lượng được thực hiện ngay tại cửa khẩu. Việc để lọt vào nội địa là rất hiếm. Đối với các sản phẩm bị lỗi buộc phải thu hồi được thực hiện rất nghiêm ngặt, quy trách nhiệm rất rõ đối với đơn vị nhập khẩu. Trong khi đó tại VN thậm chí không tìm được đơn vị nhập hàng khi sản phẩm vi phạm chất lượng do tình trạng nhập lậu” - ông Phong bức xúc.

Hải quan đi “đòi” giấy chứng nhận

Với mặt hàng đồ chơi trẻ em nhập khẩu, quy định hiện nay cũng thuộc diện phải kiểm tra chất lượng hàng hóa. Doanh nghiệp phải đem kiểm nghiệm chất lượng hàng mới hoàn thành thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Thế nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã cố tình “làm lơ”, không nộp giấy kiểm nghiệm chất lượng hàng cho cơ quan hải quan.

Mới đây, khi rà soát lại các lô hàng nhập khẩu đồ chơi trẻ em trong năm 2013, cơ quan hải quan một cảng biển lớn ở TP.HCM đã phát hiện rất nhiều doanh nghiệp không nộp giấy kiểm nghiệm chất lượng đồ chơi trẻ em theo quy định. Cơ quan này đã gửi thông báo đến doanh nghiệp yêu cầu phải bổ sung giấy tờ, hoàn thiện hồ sơ nhập khẩu và thông quan hàng hóa nhưng doanh nghiệp vẫn “bặt vô âm tín”. Các doanh nghiệp này chây ì đến mức cơ quan hải quan phải cử cán bộ đến tận doanh nghiệp để “đòi” giấy chứng nhận hàng hóa đã đạt chất lượng.

Theo quy định hiện nay, khi doanh nghiệp nhập khẩu đồ chơi trẻ em, hàng hóa được chất lên tàu, doanh nghiệp phải mang hồ sơ nhập khẩu sang chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở địa phương mà tàu cập cảng để làm giấy đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa. 

Sau khi có giấy đăng ký, doanh nghiệp cầm giấy sang Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Quatest) để đăng ký kiểm nghiệm chất lượng. Các đơn vị này xuống cảng lấy mẫu để thực hiện kiểm nghiệm. Khi có kết quả, doanh nghiệp mang sang chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng để làm giấy thông báo đồ chơi trẻ em đạt chất lượng nhập khẩu và dùng giấy này để thông quan hàng hóa.

Tuy nhiên, trường hợp sau khi Quatest lấy mẫu ở cảng, doanh nghiệp được các chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng bảo lãnh thì cơ quan hải quan sẽ cho doanh nghiệp được đưa hàng về kho riêng bảo quản và nộp bổ sung giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa sau. Đây chính là lỗ hổng khiến có những doanh nghiệp sau khi đưa hàng về kho đã ỉm luôn.

Một cán bộ hải quan cho rằng nếu trường hợp đưa hàng về kho, doanh nghiệp đã bán hàng ra thị trường, nhưng khi kiểm nghiệm kết quả không đạt thì lúc đó sản phẩm đã đến tay người tiêu dùng, khó có thể thu hồi. Thực tế hải quan cảng Cát Lái (TP.HCM) cho biết đã phải yêu cầu tái xuất nhiều lô hàng đồ chơi trẻ em nhập khẩu từ Trung Quốc không đạt chất lượng nhập khẩu.

Kiểm tra rồi vẫn có hàng độc hại

Trả lời câu hỏi vì sao hàng về cảng kiểm tra chất lượng đầy đủ nhưng vẫn có tình trạng khi kiểm tra, hàng trên thị trường không đạt chất lượng, một cán bộ lãnh đạo hải quan TP.HCM cho rằng có thể vấn đề nằm ở khâu lấy mẫu kiểm nghiệm, hoặc khâu kiểm nghiệm chưa làm hết được các chất độc hại tồn dư trong sản phẩm mà chỉ làm được một số chỉ tiêu các chất thông dụng. Trường hợp khác là hàng hóa nhập khẩu đi đường tiểu ngạch, hàng nhập lậu cơ quan chức năng không thể kiểm soát chất lượng được. Khi ra thị trường, trách nhiệm quản lý thuộc về ngành quản lý thị trường.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây