SHN: Đang bị làm giá?

Tình hình kinh doanh vẫn đang hết sức khó khăn nhưng CP của CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) lại liên tục tăng trần, trong khi lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định vô can.

Nợ ngập, cổ phiếu vẫn tăng

Theo BCTC quý III-2013, SHN tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 6,7 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng năm 2013 lỗ hơn 62 tỷ đồng. Như vậy, đây là quý thứ 9 liên tiếp doanh nghiệp này thua lỗ với lỗ lũy kế tính đến 30-9 là 320 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 324 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, mã SHN vẫn liên tục tăng giá trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư. Theo thống kê, SHN bắt đầu vào chuỗi tăng từ phiên giao dịch ngày 3-12. Giá tham chiếu của SHN trong phiên giao dịch này chỉ 800 đồng/CP, nhưng đến hết phiên giao dịch cuối tuần trước, mã này đã tăng lên mức 2.600 đồng/CP.

Như vậy, chỉ trong 14 phiên giao dịch, SHN đã tăng đến 225%. Không chỉ đột biến về giá, khối lượng giao dịch của SHN cũng tăng mạnh với nhiều phiên giao dịch đạt khối lượng 3-7 triệu CP/phiên.

SHN chính thức niêm yết trên sàn HNX ngày 16-12-2009 với giá tham chiếu 21.000 đồng/CP. Sau khi niêm yết, SHN liên tục tăng giá và có thời điểm đạt đỉnh 74.000 đồng/CP. Nhưng sau đó, với kết quả kinh doanh bết bát, SHN rớt thảm và có thời điểm giảm xuống chỉ còn 600 đồng/CP.

Giải trình về loạt phiên tăng trần liên tiếp, ông Đinh Hồng Long, Tổng giám đốc SHN, cho biết tình hình tài chính của doanh nghiệp hiện vẫn rất khó khăn. Mặc dù trong thời gian qua, Ban lãnh đạo và HĐQT doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc tái cơ cấu những khoản đầu tư nhưng vẫn chưa có kết quả.

Nếu có kết quả SHN sẽ nhanh chóng công bố cho cổ đông biết. Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay SHN vẫn đang nợ thuế, nợ lương người lao động. Với tình trạng này, việc SHN liên tục tăng trần trong thời gian gần đây là do sự kỳ vọng của NĐT vào triển vọng doanh nghiệp, nằm ngoài tầm kiểm soát của SHN.

Kỳ vọng gì?

Nếu giải trình của lãnh đạo SHN là đúng, NĐT sẽ kỳ vọng điều gì ở doanh nghiệp này? Một trong những nguyên nhân đẩy SHN vào tình trang bi đát do doanh nghiệp bị chiếm dụng vốn, dẫn đến tình trạng thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Hiện SHN đang có khoản nợ phải đòi từ CTCP Beta (Bộ Quốc phòng) lên đến 238 tỷ đồng.

Đây là khoản vay theo hợp đồng vay vốn năm 2011 (200 tỷ đồng) và khoản vay theo hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thanh Hà A - Cienco 5 (38 tỷ đồng). Như vậy, khả năng lớn nhất của đợt sóng tăng này có thể đến từ tiến trình đòi nợ của SHN.

Tuy nhiên, tính đến ngày 30-9, khoản vốn bị chiếm dụng này vẫn còn thể hiện trên BCTC quý III-2013 và SHN đã phải trích lập dự phòng 168,5 tỷ đồng trong khoản nợ này. Trong khi đó, giải trình mới nhất của lãnh đạo doanh nghiệp không hề đề cập đến kết quả việc đòi nợ. Chính vì vậy, sự kỳ vọng của NĐT về vấn đề này phần nào được loại bỏ.

Một điều đặc biệt là trước khi có sóng tăng, hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của SHN đã đăng ký bán CP. Chẳng hạn, Chủ tịch HĐQT Dương Mạnh Hải bán hơn 1 triệu CP; Tổng giám đốc Đinh Hồng Long bán 300.000CP; Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Tuyết Mai bán 90.000CP.

Do vậy, khả năng lãnh đạo SHN có liên can đến chuỗi tăng giá CP cũng phần nào được loại trừ. Trên các diễn đàn, SHN đang là đề tài nóng của giới đầu tư. Đã có nhiều thông tin lý giải về đợt sóng tăng của SHN, như SHN sắp đòi được nợ, đang có sự thâu tóm tại SHN, đầu tư tài chính lãi lớn trong quý IV, triển vọng từ những dự án bất động sản…

Tuy nhiên, tất cả những thông tin trên cũng chỉ ở dạng tin đồn, không có căn cứ. Như vậy, khả năng SHN đang bị đội lái làm giá là có cơ sở hơn cả.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây