![]() |
NĐT Dung Hoàng, địa chỉ tại 524 Lê Quang Định, Bình Thạnh hỏi: “Cuối tháng 4/2008, CTCP Gạch men Thanh Thanh (TTC) thông báo mua lại cổ phiếu quỹ với mục đích ghi rõ là bình ổn giá trên thị trường, thời gian áp dụng từ ngày 5/5/2008.
Tại sao từ đó đến nay, ít thấy cổ phiếu TTC có người mua, thậm chí có ngày không có ai mua, và nếu mua thì chỉ mua giá sàn.
Vậy có phải, Công ty thấy thị trường vẫn trong đà suy thoái nên không mua cổ phiếu quỹ nữa? Nếu đúng như vậy thì sao cũng không thấy thông báo mới? Và còn ý nghĩa gì là mua bình ổn giá thị trường? Nếu Công ty có mua một ít cổ phiếu và cũng chỉ đặt giá sàn thì còn NĐT nào dám mạnh dạn mua theo?”.
CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) cũng đăng ký mua lại 1 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, thời gian từ ngày 12/2/2008 đến ngày 11/5/2008. Theo Bản tin TTCK của Sở GDCK TP. HCM (HOSE) thì đến ngày 27/3/2008, Công ty đã mua 254.000 cổ phiếu.
Theo quy chế giao dịch của HOSE thì số lượng cổ phiếu được mua lại cho mỗi phiên là 3% - 5% tổng khối lượng đăng ký và khối lượng không vượt quá 10% khối lượng giao dịch của phiên trước đó. Với tình hình giao dịch của TPC chỉ ở mức khoảng vài chục ngàn cổ phiếu/một phiên thì số lượng mà Công ty có thể mua chỉ khoảng 10.000 cổ phiếu/phiên.
Câu hỏi mà NĐT Lê Công Hội (A75/6E/11 Bạch Đằng, Phường 2, Quận Tân Bình, TP. HCM) đặt ra là: “Thời hạn mua sắp kết thúc và có khả năng TPC sẽ không mua đủ số lượng như đăng ký. Công ty có gia hạn thời gian mua không? Công ty đăng ký và không mua đủ thì có bị HOSE nhắc nhở gì không?”
Những câu hỏi trên cho thấy, trong lúc giá cổ phiếu giảm trầm trọng, NĐT theo dõi rất sát động thái của các công ty niêm yết.
Cách đây hai ba tháng, khá nhiều công ty niêm yết đăng ký mua cổ phiếu quỹ. Đây là động thái nhằm trấn an tâm lý cổ đông khi giá thị trường đã giảm xuống dưới giá trị thực. Tuy nhiên, nhiều công ty mua cổ phiếu quỹ cũng xuất phát từ sức ép tâm lý.
Bởi đã có lời kêu gọi từ Câu lạc bộ công ty niêm yết là các công ty nên mua cổ phiếu quỹ, nếu còn thặng dư vốn từ phát hành cổ phiếu hoặc dư thừa vốn. Chính các cổ đông cũng tạo ra sức ép lớn đối với HĐQT về quyết định mua cổ phiếu quỹ với hy vọng ngăn được đà giảm giá trên thị trường.
Nhưng trong 3 tháng qua, tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Giá cổ phiếu tiếp tục giảm và còn nguy cơ tiếp tục giảm. Lạm phát và thắt chặt tín dụng tiếp tục làm tăng sức ép vốn, cho cả vốn lưu động và vốn đầu tư của doanh nghiệp. Đặc biệt là thị trường cổ phiếu mất tính thanh khoản.
Có tiếp tục giữ cam kết với NĐT về việc mua cổ phiếu quỹ hay không là bài toán cho nhiều doanh nghiệp niêm yết. Theo các chuyên gia tài chính, việc công ty dành khoản vốn lớn để mua cổ phiếu quỹ cho dù mua với giá dưới giá trị thực là không hợp lý.
Thời điểm hiện tại và trong ngắn hạn, doanh nghiệp vẫn rất khó vay vốn ngân hàng trong khi các khoản nợ phải trả đã đến hạn. Doanh nghiệp cần chuẩn bị tiền cho hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện tại và dự phòng trong trường hợp nền kinh tế tiếp tục khó khăn, lạm phát tăng cao.
Lãnh đạo các công ty niêm yết có thể giải thích với cổ đông về lý do ngừng mua cổ phiếu quỹ để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính. Nếu tiếp tục mua cổ phiếu quỹ, không những công ty bị lỗ do giá tiếp tục giảm mà còn có khả năng phá sản vì không thanh khoản được tài sản bằng cố phiếu, không kịp thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Đã có nhiều động thái cho thấy, một số công ty đã không còn quyết tâm mua cổ phiếu quỹ vì họ đã ý thức được những khó khăn nói trên. Nhưng dường như lãnh đạo các doanh nghiệp này còn ngại ngần chưa thông báo với cổ đông.
Được biết hiện nay, chưa có quy định cụ thể việc doanh nghiệp phải làm gì khi công bố mua cổ phiếu quỹ sau đó thay đổi quyết định, dừng mua. Tuy nhiên, trong trường hợp này, vì lợi ích của doanh nghiệp, người điều hành hoàn toàn có thể thay đổi quyết định, điều chỉnh kế hoạch sử dụng vốn.
Nhiều cổ đông sẽ thất vọng với sự thay đổi này, nhưng thực tế là, cho dù doanh nghiệp có mua cổ phiếu quỹ cũng không thể chặn được xu thế giảm giá cổ phiếu hiện này như nhiều cổ đông kỳ vọng.