![]() |
Những sai sót trong quá trình nhập lệnh giao dịch đã và đang diễn ra. Và nó sẽ xuất hiện với tần suất nhiều hơn khi thị trường quá nóng hoặc quá lạnh.
Việc khắc phục lỗi của CTCK cũng đang gây ra những băn khoăn, bởi nếu thực hiện theo đúng quy định, DN có thể bị nghi ngờ “cố tình nhầm”, nếu linh hoạt sửa lỗi tại CTCK, nguy cơ bị sẽ “khép tội” cố ý làm trái.
Nên linh hoạt hay không?
Vừa qua, UBCK quyết định xử phạt CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) với “tội danh”: cho phép khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu và chuyển số CP bán “vượt” này sang một tài khoản khác.
Sẽ là đáng lên án, nếu hành vi này được thực hiện “trong bóng tối” với mục đích kiếm lợi cá nhân. Tuy nhiên, theo BVSC, đây chính là việc nhân viên đã linh hoạt sửa lỗi giao dịch “không theo hướng dẫn” của Bộ Tài chính, nhưng đã có sự chấp thuận của các bên có liên quan.
Điều 35, Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán có hướng dẫn, việc sửa lỗi giao dịch phải kết chuyển các giao dịch trên về tài khoản tự doanh.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng giám đốc BVSC cho biết: “Việc thực hiện đúng quy định thì cũng không vấn đề gì, nhưng khó nhất là, nếu thị trường đang lên, NĐT rất khó mua CP hoặc khi TTCK đi xuống, NĐT đặt lệnh bán, nhưng lệnh bán được thực hiện với thông tin sai, chẳng hạn là sai số tài khoản... theo quy định, sẽ kết chuyển lệnh đó về tài khoản tự doanh. Tuy nhiên, trong tình huống này, NĐT sẽ nghĩ rằng, đây có thể là do CTCK cố tình 'cướp' lệnh”.
Trên thực tế, khi NĐT đặt lệnh giao dịch mà lúc kiểm tra khớp lệnh giữa giờ, nhân viên CTCK đã báo khớp, đến cuối ngày, kết quả lại ngược lại, chắc chắn NĐT sẽ nghi ngờ, nhất là khi diễn biến thị trường những ngày tiếp theo đúng như những gì họ lường trước.
Cần có cơ chế linh hoạt
Trên thực tế, việc “mượn tạm cổ phiếu” của các CTCK để sửa lỗi giao dịch không phải là chuyện hiếm gặp. Anh Thành, một NĐT cá nhân tại Hà Nội kể rằng, anh và một số người bạn đã từng được CTCK nơi anh mở tài khoản gọi điện “mượn” toàn bộ số cổ phiếu STP để bù, vì nhân viên đã trót nhập lệnh bán sai, lớn gấp 10 lần lệnh đặt của khách hàng.
Rõ ràng, việc linh hoạt như vậy sẽ giải quyết tốt yêu cầu của NĐT, nhưng CTCK lại đứng trước nguy cơ bị phạt vì làm trái. Còn nếu như tuân thủ đúng quy định, tất nhiên không lo bị phạt, nhưng sẽ “khó ăn khó nói” với NĐT, nhất là trong bối cảnh thị trường đang trăm người bán, một người mua như hiện nay. Làm thế nào để vừa không gây thiệt hại cho CTCK, vừa làm hài lòng khách hàng quả thực là điều không đơn giản.
Bà Phương Hoàng Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán |
Ông Vinh cho biết, nếu phát hiện lỗi giao dịch, CTCK thường đàm phán với khách hàng là sẽ mua hoặc bán chứng khoán trong những ngày tiếp theo và nếu có chênh lệch giá, CTCK sẽ bồi hoàn toàn bộ! “Để giữ uy tín công ty và đảm bảo quyền lợi của khách hàng, chúng tôi luôn phải chấp nhận phần thua thiệt”, ông Vinh nói.
Có thể nói, việc sửa lỗi sai vào tài khoản tự doanh, vốn là một “động tác kỹ thuật” đã được dùng từ lâu và trong điều kiện bình thường, nhất là đối với lỗi các lệnh mua thì cũng không có gì đáng ngại.
Nhưng trong quá trình hoạt động, việc nhầm lẫn, nếu cứ làm đúng theo quy định, có thể sẽ gây thiệt hại nhiều cho CTCK, không chỉ là tiền bạc, mà còn cả uy tín.
Ông Vinh trao đổi: “Sau vụ việc vừa qua, BVSC đã nghiêm khắc kiểm điểm và tiến hành tăng cường kiểm soát nội bộ để tránh lặp lại hiện tượng trên. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, cơ quan quản lý cần có cơ chế linh hoạt hơn.
Nếu CTCK chứng minh được lệnh đặt của khách hàng với kết quả khớp lệnh (bị sai thông tin) là một thì nên để cho lệnh được sửa thẳng vào tài khoản giao dịch, vì như vậy sẽ tránh việc đẩy CTCK vào tình huống khó xử, đồng thời giúp bảo vệ quyền lợi NĐT”.
Việc mất khả năng thanh toán tiền của CTCK có thể được hỗ trợ bằng quỹ hỗ trợ thanh toán, nhưng nếu chẳng may, lỗi giao dịch lại nằm ở lệnh bán thì chắc chắn sẽ gây khó xử cho không chỉ một người, mà cả bên mua và bên bán.