Thưa ông, trong thời gian vừa qua, lạm phát tăng ở mức cao nhưng thị trường chứng khoán lại có sự phục hồi mạnh, ông đánh giá như thế nào?
Hiện nay có nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta. Quan điểm của tôi là lạm phát cao chỉ có tác động tích cực tốt cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian ngắn hạn.
Nếu lạm phát quá cao và kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán ít soi xét lạm phát nhưng lại rất chịu tác động bởi tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, mặc dù lạm phát năm nay tương đối cao nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn tương đối mạnh, dự kiến đến cuối năm có thể đạt mức tăng trưởng 37-38%. Cho vay tín dụng có sự tăng trưởng mạnh cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế trong thời gian vừa qua có sự phát triển nhất định.
Hơn nữa, gần đây, một số ngân hàng, một số doanh nghiệp đã công bố lợi nhuận kinh doanh khá lạc quan, ước tính kết quả quyết toán cuối năm còn tốt đẹp hơn. Đồng thời, chu kỳ lợi nhuận hiện nay của các doanh nghiệp được dự đoán là chu kỳ đỉnh cao và có thể kéo dài đến năm 2008.
Xét về lâu dài, dựa trên những phân tích khá sâu về thị trường chứng khoán Việt Nam và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua, một tập đoàn tài chính nước ngoài nhận định quy mô và cường độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới có thể rất giống thị trường chứng khoán Đài Loan vào thập kỷ 80, là một thị trường chứng khoán được đánh giá là có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Cũng theo tài liệu này, tôi dự đoán đến năm 2010, chỉ số VN-Index có thể đạt đến hoặc trên 2.000 điểm.
Nhiều nhà đầu tư mong đợi, sắp đến Chỉ thị 03 có thể được sửa đổi theo hướng tích cực hơn?
Chỉ thị 03 đã có những tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán. Trong lúc thị trường rất nóng, nhiều chuyên gia chịu trách nhiệm về tính ổn định của thị trường đã phải đưa ra Chỉ thị 03 và xem như một liều thuốc giảm sốt cho thị trường.
Nhưng đến nay, nhiều ý kiến cho rằng tác động của Chỉ thị 03 không còn tích cực với thị trường nữa. Vì vậy, hội đồng tài chính tiền tệ vừa có một cuộc họp bàn về những vấn đề có liên quan đến thị trường chứng khoán, trong đó có việc xử lý chỉ thị 03. Theo tôi, chỉ thị này có thể sẽ được sửa đổi, nhưng sửa như thế nào thì chưa chắc đã như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng.
Ông có thể cho biết thông tin về tiến độ IPO sắp tới của các ngân hàng thương mại lớn và tác động của sự kiện này đến thị trường như thế nào?
IPO các ngân hàng thương mại lớn là vấn đề mang tính chiến lược của Chính phủ và không có chuyện giãn tiến độ. Nguyên nhân tiến độ IPO bị chậm so với dự kiến chủ yếu là do các ngân hàng chưa chuẩn bị kịp theo đúng kế hoạch được cổ phiếu giao.
Chắc chắn tháng 10 năm nay, Vietcombank sẽ bán cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược và đến tháng 11 sẽ tiến hành IPO. Ngân hàng Công thương cũng chắc chắn sẽ IPO vào tháng 12. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển thì có thể chậm hơn một chút, do họ có một chủ trương hình thành tập đoàn tài chính trước khi cổ phần hóa.
Điều đó có nghĩa là sẽ có một lượng hàng lớn được tung ra thị trường vào khoảng cuối quý 4 năm nay và đầu quý 1 năm sau. Theo những kết quả tôi nắm được, ở đối trọng cung của thị trường cũng sẽ có những tập đoàn “nặng ký”, khiến cho thị trường chứng khoán sẽ có những trụ cột cung cầu rất lớn.
Điều này làm cho giá cả chứng khoán trong thời gian tới sẽ vững chắc và ít biến động dữ dội hơn. Trụ cột của thị trường tài chính Việt Nam vẫn là các ngân hàng thương mại và theo tôi các ngân hàng thương mại của ta đang có hoạt động tương đối ổn định, nhờ những chương trình tái cấu trúc và mức độ quan tâm đặc biệt về phương diện giám sát của chính phủ.