Ngân hàng mua "core banking" để làm gì?

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng tận dụng hết tài nguyên của “core”. Thậm chí, có ngân hàng mua “core” chỉ để đánh bóng...

Nhận xét về vai trò của core banking trong hoạt động ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Quang A, thành viên Hội đồng Quản trị VIB nói: “Tiền, tài sản thế chấp trong ngân hàng thực ra chỉ ở trên giấy, sổ sách kế toán, dữ liệu máy tính... chỉ hiển thị bằng thông tin và quản lý cái đó thông qua thông tin chứ không thể quản lý tài sản vật lý. Lõi banking chính là hạt nhân toàn bộ hệ thông tin của một hệ thống ngân hàng”.

Công nghệ nào, sản phẩm ấy

Đồng tình với ông Quang A, bà Thu Ba, Trưởng phòng công nghệ thông tin SHB, cho rằng: core banking chính là một hệ thống các phân hệ nghiệp vụ cơ bản của ngân hàng như tiền gửi, tiền vay, khách hàng. Thông qua đó, ngân hàng phát triển thêm nhiều dịch vụ, sản phẩm và quản lý nội bộ chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Trước đây, khi các ngân hàng chưa có “core” hiện đại hoặc dùng “core” lỗi thời, việc quản lý khách hàng rất rải rác và vô cùng bất tiện cho khách hàng. Tiền gửi ở đâu, phải đến đó, không thể rút ở điểm giao dịch khác, mặc dù các điểm này đều trong cùng hệ thống một ngân hàng.

Thậm chí, khách hàng muốn giao dịch ở bao nhiêu điểm thì phải mở bấy nhiêu tài khoản. Với sự ra đời của core banking hiện đại, khách hàng chỉ cần có một mã duy nhất ở ngân hàng là có thể giao dịch với rất nhiều sản phẩm và ở bất cứ điểm giao dịch trong cùng hoặc không trong cùng một hệ thống.

Ngoài ra, sự ưu việt của phần mềm mới còn ở chỗ chúng chứa tham số rất lớn để mỗi khi ngân hàng muốn phát triển một dịch vụ, sản phẩm sẽ dễ dàng hơn, chỉ cần định nghĩa tham số là có thể tạo sản phẩm mới mà không phải sửa thẳng vào code chương trình.

Sản phẩm tiền gửi tiết kiệm hiện mới chỉ ra những sản phẩm cơ bản nhưng tới đây, có thể tận dụng hệ thống sang số để chuyển thành những sản phẩm khác về tiền gửi, tiền vay một cách đa dạng hơn hoặc tận dụng hệ thống báo cáo quản trị để phân tích đánh giá hoạt động của một ngân hàng. “Nếu có core banking thì việc tạo ra sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào trí tưởng tượng của con người!” - Ông Quang A nói.

Hiện nay, một số ngân hàng thương mại cổ phần như Techcombank, ACB, Sacombank... kể từ lúc triển khai “core” mới đã tạo đột phá trong khai thác sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Ông Lê Xuân Vũ - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghệ Techcombank cho biết, phần mềm mới của Techcombank cho phép thực hiện tới 1.000 giao dịch/giây, quản trị tới 50 triệu tài khoản khách hàng và hỗ trợ thực hiện giao dịch qua hệ thống 24h/ngày.

“Core” phải gắn với nhân lực và sản phẩm

Mặc dù các ngân hàng đều xác định đầu tư vào công nghệ là đầu tư khôn ngoan nhất nhưng tính đến nay, trong số gần 100 ngân hàng thương mại và các định chế ngân hàng đang hoạt động trên thị trường thì chỉ có khoảng 16 đơn vị đầu tư “core”.

Khác với các ngân hàng thương mại trong nước, những ngân hàng, tổ chức tài chính, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài được trang bị hệ thống core banking cực kỳ hiện đại do họ mang từ ngân hàng mẹ sang, điển hình như ANZ, Duchbank, HSBC, Citibank.

Những ngân hàng này thừa hiểu, khi đầu tư vào “core”, lập tức tên tuổi ngân hàng đó sẽ khẳng định được đẳng cấp, tổng tích tài sản tăng, dễ dàng mở rộng quy mô, sản phẩm dịch vụ. Chưa kể, nhờ đó, tính bảo mật thông tin cao hơn, hạch toán sổ sách chứng từ kế toán thuận tiện hơn.

Thực tế hiện nay, đầu tư “core” đã khó nhưng đưa “core” đó vận hành vào hệ thống lại là chuyện khó hơn.

Thứ nhất, hệ thống “core” mới phải thoả mãn yêu cầu quản lý của ngân hàng nhà nước. Bà Thu Ba cho biết: “Quy trình nghiệp vụ từ ngân hàng nhà nước rót xuống các ngân hàng thương mại nhiều lúc không tương thích với hệ thống core banking của các ngân hàng, nhất là đối với các ngân hàng nước ngoài”.

Ví dụ khi phân loại tài khoản, có những loại thì phân loại theo tiền, có những loại thì gộp chung. Với hệ thống tài khoản nước ngoài là đa tệ và chỉ cần một tài khoản có thể áp dụng với nhiều ngoại tệ khác nhau, nhưng ở Việt Nam, hệ thống tài khoản, mẫu báo cáo thường thay đổi và các core banking nước ngoài rất khó đáp ứng.

Thứ hai, mặc dù các ngân hàng rất mong muốn phát triển mạnh sản phẩm, dịch vụ nhưng trong bối cảnh thói quen sử dụng tiền mặt vẫn phổ biến, cộng với hệ thống hạ tầng chưa tốt nên việc phát triển và kết nối sản phẩm, dịch vụ vô cùng khó khăn.

Thứ ba, khi sử dụng hệ thống thông tin mới luôn gắn với việc “làm mới” ngân hàng, phải cải tổ toàn bộ hoạt động từ tổ chức, đào tạo người, quy trình làm việc và đó thực sự là quá trình khó khăn, mệt mỏi.

Ông Nguyễn Quang A nói: “Dùng một công cụ đắt tiền, hiện đại mà áp vào một quy trình làm việc giống hệt như cũ thì hoàn toàn phí tiền và không mang lại kết quả gì nhiều, ngoại trừ số liệu có thể chính xác hơn, nhanh hơn”. Bởi lẽ, quá trình này đụng chạm đến con người, tập quán, văn hoá, tổ chức và có thể cả quyền lợi, nhất là đối với các ngân hàng quốc doanh. ngân hàng càng lớn, càng có truyền thống thì quá trình lột xác càng khó khăn.

Cũng theo ông Quang A, để phát huy hết tính năng và công hiệu của công nghệ thì trong mỗi ngân hàng, từ giám đốc, phòng ban, nhân viên phải thay đổi lề thói, quy trình làm việc, tầm nhìn chiến lược và sản phẩm dịch vụ. Nếu không thì mua “core” chỉ để... đánh bóng thương hiệu mà thôi.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây