Năm 2014: Làm gì để nền kinh tế hết “trầm cảm”?

 
 
"Năm 2014, nếu Việt Nam không thực hiện mạnh mẽ các cải cách thì nền kinh tế sẽ khó có thể thoát khỏi tình trạng "trầm cảm", mà hệ lụy của nó còn là những nguy cơ khác nữa...".

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói như vậy khi trả lời? Chúng tôi xung quanh các giải pháp về điều hành kinh tế năm 2014.

Thưa ông, Chính phủ vừa đưa ra con số dự báo GDP tăng trưởng khoảng 5,8% trong năm kế hoạch 2014 và 6% trong năm 2015. Ông đánh giá điều này như thế nào?

- Tôi cho rằng, nếu có cải cách thì GDP của Việt Nam có thể đạt tới 7% vì tiềm năng của nền kinh tế của ta là rất lớn; ngược lại nếu không quyết liệt cải cách thì nó sẽ chỉ như thế này, thậm chí còn nảy sinh nhiều nguy cơ khác nữa...

Cụ thể "như thế này" là như thế nào, thưa ông?

- Nền kinh tế của ta hiện nay vẫn bộc lộ một số tồn tại cần nhận diện để giải quyết sớm. Đó là nợ xấu vẫn còn gây ảnh hưởng tới sự phục hồi của nền kinh tế. Nếu không cải cách, các ngân hàng sẽ vẫn thế, yếu kém và hoạt động ít đem lại hiệu quả. Tín dụng sẽ không tăng lên... Tất cả đều đang phụ thuộc vào cải cách của chúng ta.

Nếu không có cải cách thực sự thì nền kinh tế không những không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP mà tỷ lệ bội chi ngân sách, tỷ lệ động viên từ thuế, nhu cầu tăng năng suất lao động cũng khó đạt chỉ tiêu. Đáng lo ngại là tình trạng nợ vốn vay của doanh nghiệp nhà nước (DNNN)?đang ở mức cảnh báo. Trong khi đó, kết quả sắp xếp, tái cơ cấu các DNNN đang rất chậm dẫn đến việc sản xuất - kinh doanh thiếu hiệu quả, lãng phí nguồn lực, đồng thời làm mất cơ hội đối với các thành phần kinh tế khác.
 
Năm 2014 cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN, bao gồm khó khăn từ thủ tục đầu tư đến tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa.
Năm 2014 cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN, bao gồm khó khăn từ thủ tục đầu tư đến tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa.

Vậy cải cách nền kinh tế sẽ phải được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Quan trọng nhất là phải thực hiện một cách thực sự việc tái cấu trúc nền kinh tế. Từ đó, giải quyết các ngân hàng yếu kém đã không thể tồn tại được, kiểm soát hiệu quả đầu tư công, bộ máy hành chính của Nhà nước phải được chấn chỉnh lại. Tôi chỉ đơn cử, một cơ quan hành chính cấp phường mà có đến hàng trăm người thì không ngân sách nào chịu đựng nổi...

Năm 2013, chúng ta đã kiềm chế lạm phát thành công (lạm phát ước chỉ tăng 6%-mức thấp nhất trong 10 năm qua), giúp cho nền kinh tế vĩ mô được ổn định. Điều này sẽ có tác dụng như thế nào cho các cải cách kinh tế trong năm tới, thưa ông?

- Năm 2013, lạm phát đã giảm mạnh, lãi suất cũng giảm thấp song thực sự nhìn nhận thì nền kinh tế chưa có những tiến triển đáng kể. Nền kinh tế hiện nay có thể nói đang rơi vào trạng thái "trầm cảm". Nền kinh tế có vốn nhưng các thành phần kinh tế lại không hấp thụ được vốn, không vay được hoặc không muốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Điều này chứng tỏ, nền kinh tế tưởng là ổn định lại đang có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng thực hiện lại chưa như mong đợi, mà cụ thể ở đây là nợ xấu đang còn chưa nhúc nhích, kéo theo niềm tin của một nền kinh tế đang phục hồi chưa vững chắc. Đây là thực tế rất đáng phải suy nghĩ.

Vậy làm sao để có được "niềm tin của một nền kinh tế đang phục hồi"?

- Trước hết, để cải cách cần phải có một nền kinh tế công khai, minh bạch và thể chế phải được cái cách một bước. Muốn công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật thì rất cần cải cách thể chế, bảo đảm các cơ quan chính quyền Nhà nước các cấp không tùy tiện can thiệp hành chính vào thị trường và có cơ chế giám sát lợi ích nhóm. Hiện nay cải cách thể chế vẫn khá chậm, gây ra nhiều tiêu cực, ỳ trệ cho nền kinh tế.

"Nút thắt" của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 nằm ở khâu tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế; trong đó có rất nhiều việc phải làm, trước hết trong khu vực tài chính tiền tệ...

Mặt khác, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành cùng với địa phương đã tích cực ban hành và thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy DN phát triển, nhưng các giải pháp chưa tạo được chuyển biến rõ nét do một số chính sách chưa quyết liệt hoặc ban hành chậm so với yêu cầu thị trường.

Do vậy, năm 2014 cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN, bao gồm khó khăn từ thủ tục đầu tư, đến triển khai dự án, giải phóng mặt bằng, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa... Đặc biệt, chú trọng việc giải quyết nhanh và hiệu quả hơn vấn đề nợ xấu, hoàn thành cơ bản việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, khơi thông dòng vốn tín dụng cho DN. Cùng với đó, việc đẩy mạnh tiến trình cải cách DNNN cần thực hiện nhanh và mạnh hơn trong năm 2014.

"Nút thắt" của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 nằm ở khâu tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế; trong đó có rất nhiều việc phải làm, trước hết trong khu vực tài chính tiền tệ. Vì vậy, việc phục hồi nền kinh tế trong năm 2014 phụ thuộc rất nhiều vào tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có giải quyết nợ xấu của các ngân hàng thương mại, giải quyết nợ lên đến mức hơn 1 triệu tỷ đồng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước... Đây toàn là những chuyện khó và hy vọng chúng ta sớm giải quyết được việc này.

Xin cảm ơn ông!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây