Cuối tuần qua, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Cục Chế biến, thương mại thủy sản nông lâm nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI), Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam (VIAC) đã tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cá tra tại ĐBSCL”.
Hội thảo đã đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2013, nhận định thị trường năm 2014 và chỉ ra những tồn tại gây cản trở sự phát triển thị trường cũng như giá trị của cá tra vùng ĐBSCL hiện nay.
Năm 2014, xuất khẩu cá tra giảm nhẹ
Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến cuối tháng 11/2013, ĐBSCL đã thả nuôi cá tra được 4.679 ha, giảm 13% so cùng kỳ 2012, đã thu hoạch 3.638 ha, sản lượng 1 triệu tấn, giảm 3%. Từ 1/1 đến 15/11/2013, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 5,912 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu cá tra đạt 1,522 tỷ USD, chiếm 25,70%, giảm 0,2% so với cùng kỳ 2012 và là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai sau tôm. Ước giá trị xuất khẩu năm 2013 đạt 1,8 tỷ USD.
Hiệp hội cá tra Việt Nam dự báo, sản lượng cá tra tiêu thụ nội địa năm 2015 tăng 100%; năm 2020 là 300% so với 2012. Trong đó, đảm bảo kim ngạch xuất khẩu cá tra đến năm 2015 đạt 2,2 tỷ USD/năm và 2020 là 3 tỉ USD/năm.
Do vậy, việc nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm cá tra, quảng bá chất lượng, thương hiệu cá tra sẽ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, giúp nâng cao thu nhập cho người nuôi và doanh nghiệp.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ Tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, từ 2010 đến nay, diện tích nuôi cá tra giảm 1,8%/năm nhưng sản lượng tăng 2%, xuất khẩu tăng 5,8%. Dù cá tra Việt Nam đã có mặt ở 149 thị trường nhưng vẫn phụ thuộc lớn vào 2 thị trường chính là EU và Mỹ, hiện chiếm gần 1/2 sản lượng xuất khẩu của cả nước.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2014 sẽ giảm khoảng 5% so với 2013 vì nguồn nguyên liệu trong nước giảm và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt tín dụng của ngân hàng.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cho biết, năm 2014 doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn đầu tư vùng nuôi và hoạt động chế biến xuất khẩu, nông dân rơi vào cảnh thua lỗ ngày càng nhiều; diện tích nuôi và nguồn cá tra nguyên liệu giảm và kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm khoảng 5% so năm 2013. Song do có mức giá phải chăng nên cá tra vẫn là sự lựa chọn của người tiêu dùng nước ngoài, trong đó nhu cầu tại thị trường các nước châu Á, Mỹ Latinh sẽ không thay đổi.
Trung Quốc có thể sẽ trở thành thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp khi đã có mức tăng trưởng đang kể trong năm 2013, đạt 6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, độ an toàn trong thanh toán ở thị trường này còn thấp, các doanh nghiệp nên xuất khẩu chính ngạch để giảm bớt rủi ro.
Năm mới khó khăn cũ
Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại của ngành hàng cá tra, tuy không mới nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đó là chất lượng con giống, sản phẩm, tình trạng ô nhiễm môi trường nước làm gia tăng dịch bệnh, hiệu quả sản xuất thấp, lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người dân chưa tương xứng, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, các rào cản thương mại, nguồn vốn chưa được giải quyết một cách căn bản, liên kết sản xuất thiếu chặt chẽ...
Tổng cục Thủy sản đề xuất, giai đoạn 2014-2020, Nhà nước cần điều chỉnh cơ chế liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại cá tra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý và tiêu thụ cá tra, xây dựng các trung tâm phân phối hàng thủy sản trong và ngoài nước, thành lập quỹ xúc tiến thương mại cá tra. Các tỉnh cần phối hợp với ngân hàng xử lý nợ xấu, tái cấu trúc vốn cho vay để sản xuất, tiêu thụ cá tra.
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, để nâng cao giá trị con cá tra vùng ĐBSCL, có rất nhiều giải pháp từ việc xây dựng thương hiệu cho tới mở rộng thị trường. Thị trường rộng sẽ tiêu thụ được nhiều, giá trị cá tra sẽ tăng lên. Đồng thời, việc giám sát kiểm tra chất lượng vật tư đầu vào phải được kiểm soát tốt, phải chế biến nhiều mặt hàng giá trị gia tăng.