Sau khi thị trường giảm điểm, các công ty chứng khoán (CTCK) đang tích cực lựa chọn, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của các cổ phiếu trên thị trường và khuyến nghị nhà đầu tư (NĐT) nên mua vào hay bán ra. Một số cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng được khuyến nghị mua vào, nhằm đón đầu lợi nhuận trong tương lai.
Cổ phiếu có tiềm năng phát triển tốt như FMC, GSP, CTD và VCG đang được các CTCK khuyến nghị có thể tích lũy và nắm giữ. Riêng DQC đang giao dịch với giá thấp hơn giá mục tiêu 16% nên NĐT có thể mua thêm.
Tiềm năng thủy sản và dầu khí
Theo CTCK Rồng Việt (VDS), trong tình hình khó khăn của ngành Thủy sản những năm gần đây, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC) vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh tương đối ổn định. Với mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm được dự báo sẽ rất thuận lợi, được coi là triển vọng giúp doanh thu FMC tăng trưởng tốt. FMC còn đầu tư vùng nuôi, tiến tới chủ động một phần về nguyên liệu nhằm giảm tác động từ bên ngoài giúp tăng khả năng sinh lợi của công ty.
Hơn nữa, HVG dự kiến sẽ tăng tỷ lệ nắm giữ lên mức chi phối FMC để tăng cường đầu tư tài chính cho FMC phát triển vùng nuôi và mở rộng thị trường. Do đó, VDS đưa ra khuyến nghị tích lũy đối với cổ phiếu FMC cho mục tiêu trung hạn là tăng giá.
VDS cũng phân tích cổ phiếu GSP của Công ty CP Vận tải Sản phẩm khí Quốc Tế có hoạt động khá ổn định và hiệu quả nhất trực thuộc PVTrans (Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí). GSP có ưu thế gần như độc quyền về vận chuyển LPG cho 2 nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Xử lý khí Dinh Cố.
Công ty đã đầu tư tàu mới nhằm gia tăng năng lực vận chuyển. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc áp lực tài chính từ nợ vay của GSP cũng tăng theo. Về lâu dài, khả năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của GSP phụ thuộc lớn vào sản lượng LPG từ 2 nhà máy và năng lực của đội tàu. Còn hiện tại, GSP đang giao dịch ở mức khá thấp so với mức trung bình của ngành Dầu khí, nên vẫn có tiềm năng tăng trưởng.
Dầu khí vẫn là nhóm cổ phiếu tiềm năng nhất
Cổ phiếu DQC của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang được khuyến nghị mua vào khi đã phát triển được sản phẩm mới và tăng cường tìm kiếm thị trường mới. Trước đó, DQC có khoảng 39 triệu USD phải thu từ khách hàng Consumimport của Cuba được bán hàng theo chương trình hợp tác liên Chính phủ giữa hai nước Việt Nam - Cuba từ năm 2007.
Tính đến cuối tháng 9/2013, khoản phải thu từ đối tác này đã giảm gần 5 triệu USD so với cuối năm 2012, xuống còn khoảng 34 triệu USD. Phía Cuba cũng đã cam kết sẽ trả dần nợ và sẽ tất toán vào năm 2016. Như vậy, nỗi lo không thu hồi được nợ từ đối tác này đang dần được giải quyết.
CTCK MBKE kỳ vọng trong quý IV/2013, DQC đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 26% so với năm trước, lên 30 tỷ đồng, dựa trên mức tăng trưởng doanh thu 15% (sản lượng tăng 10% và giá bán tăng 5%) và lợi nhuận gộp biên cải thiện đạt 27%. Lợi nhuận sau thuế cả năm ước tính đạt 90 tỷ đồng, tăng 87% so với năm 2012. Theo đó, NĐT có thể mua đối với cổ phiếu DQC.
Xây dựng cũng rất khả quan
Riêng đối với cổ phiếu CTD của Công ty CP Xây dựng Cotec, MBKE khuyến nghị tiếp tục nắm giữ vì kết quả kinh doanh tốt. CTD có công ty con là Unicons làm ăn hiệu quả, nên đã mua thêm 2,64 triệu cổ phiếu vào tháng 5/2013, nâng tỷ lệ sở hữu từ 31% lên 51,2%.
Nếu xét riêng doanh thu của công ty mẹ, trong 9 tháng 2013, chỉ tăng 1,4% so với cùng kỳ, đạt 3.115 tỷ đồng và lãi ròng đạt 170 tỷ đồng, tăng 12%. Công ty con Unicons đạt doanh thu 1.814 tỷ đồng và lãi 42 tỷ đồng. Lợi nhuận của Unicons trong giai đoạn 2007 - 2012 tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm.
Với việc hợp nhất các công ty liên kết nằm trong chiến lược tái cấu trúc của CTD để trở thành một tập đoàn xây dựng vững mạnh, MBKE tin rằng việc tái cấu trúc này sẽ giúp củng cố thương hiệu và uy tín của CTD, đẩy mạnh tăng trưởng trong tương lai.
Một cổ phiếu khác mà MBKE khuyến nghị mua là VCG, của Tổng Công ty CP XNK và Xây dựng Việt Nam. Với kết quả kinh doanh khá khả quan trong 9 tháng đầu năm 2013 và việc chuyển nhượng xong Xi măng Cẩm Phả (XMCP), nên khả năng VCG sẽ đạt lãi ròng 317 tỷ, năm 2013, tăng 63% so cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, VCG công bố đã hoàn thành việc chuyển nhượng 70% cổ phần XMCP cho Viettel vào ngày 29/11/2013. Viettel không chỉ mua lại cổ phần mà còn mua cả phần nợ vay của XMCP để VCG thanh toán trước hạn toàn bộ dư nợ liên quan đến dự án XMCP. Theo đó, tình hình tài chính và dòng tiền của VCG sẽ được cải thiện đáng kể. Đến cuối quý II/2013, dư nợ dài hạn liên quan đến XMCP là 2,120 tỷ (chiếm khoảng 1/3 tổng nợ vay dài hạn của VCG).
Ngoài ra, với 30% cổ phần còn lại, XMCP chuyển từ công ty con thành công ty liên kết của VCG. Do đó, kết quả kinh doanh của XMCP không ảnh hưởng nhiều đến kết quả hợp nhất của VCG như trước đây.
Trên sàn giao dịch, VCG liên tục tạo lập mức cao hơn kể từ tháng 9 trở lại đây, cho thấy cổ phiếu này trong xu hướng tăng. Tuy nhiên, đà tăng của VCG chậm rãi và đều đặn với các đợt điều chỉnh xen kẽ - dấu hiệu của chiều hướng tăng bền vững. Sau khi không còn chịu áp lực bán của khối ngoại, nhiều khả năng cổ phiếu VCG sẽ gia tăng khi đã thoái vốn thành công tại nhà máy xi măng.