Gần đây, một số lãnh đạo ngân hàng lên tiếng rằng, nếu áp dụng Thông tư 02 (TT02) về trích lập và phân loại nợ vào tháng 6/2014, nhiều doanh nghiệp lớn sẽ đổ bể, kéo theo hiệu ứng domino và sẽ có những tác hại gấp nhiều lần các năm trước. Phía NHNN tuy nhiên sau đó khẳng định sẽ không lùi thời hạn với TT02 thêm một lần nữa. Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng.
PV: Thưa ông, vừa rồi NHNN khẳng định sẽ không lùi thêm thời hạn áp dụng TT02. Quan điểm của ông thế nào?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta không có một lựa chọn nào khác ngoài việc đưa TT02 vào thực hiện. Mình đã gia hạn một lần rồi. Khi đó, sự gia hạn này là cần thiết.
Hiện tại cũng có một số chuyên gia đề nghị là hoãn lại, nhưng cái việc hoãn này sẽ không giải quyết được vấn đề. Việc giải quyết nợ xấu cần có tính minh bạch. Phải bày hết lên trên mặt bàn là có bao nhiêu nợ xấu và xem xem giải quyết cách nào. Chứ bây giờ, nếu không thực hiện TT02, rất nhiều những khoản nợ xấu lại bị chìm xuống.
TT02 đưa ra những quy định rất chặt chẽ cái gì là nợ xấu. Từ đó thì những nợ xấu thực chất sẽ được thể hiện rõ ràng. Trước đó, Quyết định 780 đã cho phép các Ngân hàng tái cơ cấu các khoản nợ. Nhưng tái cơ cấu cũng đồng nghĩa với việc che các khoản nợ xấu lại, và TT02 sẽ làm thực chất của nó thể hiện ra một cách rõ ràng.
Tôi không nghĩ là nhiều DN lớn sẽ đổ bể. Nợ xấu nằm ở trong cơ thể của các DN đó rồi. Vấn đề là mình sẽ thể hiện nó ra và xử lý như thế nào. Vì thế nếu như bây giờ cứ dùng các biện pháp để che nó đi, thì sẽ càng không nhìn được thực chất.
Nếu nó đổ bể thì đã đổ bể rồi. Bây giờ mình phải thể hiện ra, xem còn những tồn tại như thế nào thì mình mới có giải pháp thích hợp. Nếu che bệnh đi thì không có liều thuốc đúng được.
Có 3 món nợ xấu lớn nhất là nợ xấu BĐS, DNNN và các công ty có liên quan đến ngân hàng. Thực tế là khi giải quyết nợ xấu, ngân hàng có thể sẽ mất vốn nhưng mình có thể đánh giá xem các Ngân hàng có khả năng chịu đựng nổi việc mất vốn đó không, nếu không thì lại phải viện đến các nhà tài chính quốc tế.
Nhưng tóm lại tất cả phải được phơi bày minh bạch thì mới có cách giải quyết đúng đắn được. Nếu cứ nhùng nhằng, hoãn TT02 lại thì có cảm giác chúng ta đang sống trong ảo ảnh. Cần can đảm chấp nhận mất mát thì mới giải quyết nợ xấu được.
Vậy ông dự báo thế nào về ngành Ngân hàng trong năm tới?
Kỳ vọng của tôi là hệ thống Ngân hàng sẽ càng ngày càng lành mạnh hơn. Tôi cũng hy vọng lợi nhuận của Ngân hàng trong năm tới sẽ khá hơn. Nếu tín dụng tăng trưởng tốt thì doanh thu chắc chắn sẽ được cải thiện.
Đó là kỳ vọng của tôi. Còn thực tế ngành Ngân hàng đang phải đối diện với những thử thách lớn trong năm tới. Thử thách lớn nhất vẫn là nợ xấu. Dù cho VAMC có xử lý như thế nào đi chăng nữa thì nợ xấu vẫn là vấn đề đồng hành với ngân hàng. Nợ xấu không chỉ làm mất mát tài sản của ngân hàng mà quan trọng hơn là nó có thể làm xói mòn vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Khi đó, lại phải tái cấp vốn qua đầu tư của tư nhân mà có thể là giống như Mỹ, Chính phủ cũng phải nhập cuộc.
Các DN có nợ xấu rất khó vay. Dĩ nhiên là NHNN cũng mong mỏi là các NHTM tiếp tục cho DN vay. Khi đã bán nợ cho VAMC rồi thì ngân hàng có thể tiếp tục cho vay giúp cho doanh nghiệp tái hoạt động, nhưng cái đó chỉ là khuyến khích, một cách “hô hào” còn trên thực tế ở các ngân hàng, một khi anh đã bị nợ xấu rồi thì thường là càng ngày càng xấu đi.
Để giải quyết nợ xấu, không chỉ cần sự cố gắng của VAMC, DATC, của các ngân hàng… mà cái chính là sự phục hồi của nền sản xuất.
Theo tôi, nền kinh tế trong năm 2014 có lẽ cũng chưa có bước gì đột phá hơn so với 2013. Các ngân hàng sẽ rất cẩn trọng trong việc cho vay mới.