![]() |
Nhu cầu dịch vụ ngân hàng tài chính ở Việt Nam còn rất lớn - Ảnh: Việt Tuấn. |
Phát triển và đào thải theo quy luật cung cầu
Một là, sự phát triển ngân hàng thương mại cổ phần đã thúc đẩy cạnh tranh, buộc các ngân hàng thương mại Nhà nước phải đổi mới mạnh mẽ, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Mạng lưới giao dịch ngân hàng gần dân, gần doanh nghiệp, tiện lợi hơn trong giao dịch với khách hàng.
Hai là, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng. Trong tổng số hơn 86 triệu dân, nhưng mới có khoảng 10% số người có tài khoản tại Ngân hàng. Số lượng thẻ ATM mới đạt khoảng 5 triệu thẻ, chỉ chiếm khoảng 6% số dân.
Thu nhập người dân đang cải thiện và nâng lên. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, đạt 4,2 triệu người năm 2007, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, chỉ riêng trong năm 2007 cả nước có 54.000 doanh nghiệp mới được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp trong cả nước lên con số hơn 300.000.
Thị trường chứng khoán phát triển mạnh, chỉ riêng năm 2007, đã huy động được hơn 90.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, tổng số vốn hoá cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán chiếm 39,4% GDP, nếu kể cả vốn hoá trái phiếu thì chiếm trên 50% GDP.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2007 đạt 48 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2006; kim ngạch nhập khẩu đạt 60,33 tỷ USD, tăng 33,1% so với năm trước, nâng mức nhập siêu lên mức kỷ lục, tới 12,4 tỷ USD...
Điều đó cho thấy nhu cầu dịch vụ ngân hàng tài chính ở Việt Nam còn rất lớn, là một tiềm năng còn rất dồi dào, các ngân hàng nước ngoài cũng nhận thấy điều đó cho nên họ tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Ba là, tiềm năng phát triển của các ngân hàng thương mại cổ phần cũng còn rất lớn. Trong 3 năm 2005 - 2007, các chỉ tiêu về quy mô: vốn điều lệ, tổng tài sản, tổng nguồn vốn huy động, tổng dư nợ cho vay, lợi nhuận trước thuế,... của các ngân hàng thương mại cổ phần bình quân tăng 50% mỗi năm. Tại Hà Nội, chỉ riêng năm 2007 khối ngân hàng thương mại cổ phần có mức tăng trưởng dư nợ cho vay cao nhất, đạt tới 82,6%. Một số ngân hàng thương mại cổ phần sẽ có mức tăng trưởng dư nợ tới 90% đến trên 100%.
Bốn là, nhiều chủng loại sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới được đưa ra thị trường và đông đảo khách hàng chấp nhận rất nhanh các dịch vụ đó. Trong năm 2007 có thể chứng kiến sự phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ của tín dụng tiêu dùng, kể cả thấu chi tài khoản, kể cả phát hành và làm đại lý thanh toán các loại thẻ tín dụng quốc tế, như: VISA, Master Card, Amex,... cho vay vốn tiêu dùng: mua xe ô tô, mua nhà đất, đi du học, sửa chữa nhà ở.
Các dịch vụ thanh toán tiện ích khác, như chuyển tiền qua hệ thống ATM, nộp tiền điện, nước, mua vé máy bay qua dịch vụ ATM... cũng phát triển mạnh. Đông đảo người dân và các doanh nghiệp cũng nhận thấy tiện ích của các dịch vụ đó nên nhanh chóng chấp nhận.
Thị trường có thể chấp nhận sự chọn lọc và đào thải. Nếu ngân hàng thương mại cổ phần nào cạnh tranh không hiệu quả, làm ăn thua lỗ chắc chắn sẽ phải sáp nhập, bán lại. Thực tế có một số ngân hàng thương mại cổ phần mở chi nhánh mới, phòng giao dịch mới, nhưng 2-3 năm hoạt động không có hiệu quả, đã phải thay đổi địa điểm, chuyển địa điểm khác. Sự điều chỉnh đó là tất yếu trong quá trình phát triển.