Ngân hàng trước áp lực lợi nhuận

Lợi nhuận từ tín dụng đang co lại

 

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cho biết trước tình hình huy động vốn của các NH đang thuận lợi, nhiều NH dư thừa vốn, chi phí vốn của các NH đang tăng lên do tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng, lẽ ra các NH sẽ phải giảm lãi suất huy động hoặc tăng lãi suất cho vay.

 

Tuy nhiên, trên thị trường lãi suất đang diễn ra một điều nghịch lý là các NH thương mại lại bước vào cuộc cạnh tranh hạ lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động vốn không có dấu hiệu giảm.

 

Điều này đang tiềm ẩn nguy cơ. Ông Hải đưa ra bài toán: một NH lấy 20 đồng (trong đó 10 đồng từ tiết kiệm, 10 đồng từ vốn của cổ đông) để cho vay và thu được 25% lợi nhuận. Trong bối cảnh lạm phát tăng, gây áp lực buộc NH phải tăng lãi suất huy động, thì tất yếu lợi nhuận từ cho vay của các NH có thể bị thu hẹp xuống còn 20%. Nhiều NH chọn phương án thu hút thêm 20 đồng từ vốn huy động để cho vay, nhằm tăng vòng quay vốn để bù đắp lợi nhuận. Thế nhưng trong 40 đồng cho vay, các NH chỉ cần làm mất (gặp rủi ro trong cho vay)  5-10 đồng thôi thì lợi nhuận thu được từ cho vay của NH không thể bù đắp số vốn của khách hàng tiền gửi và cổ đông bỏ ra.

 

Theo ông Hải, bài học này đã từng xảy ra trong lịch sử của vài NH TMCP và hoàn toàn có khả năng lặp lại nếu các NH tiếp tục cạnh tranh bằng con đường này.

 

Nhìn vào chỉ tiêu hoạt động của các NH từ đầu năm đến nay (như: tổng tài sản, vốn điều lệ, vốn huy động, dư nợ, lợi nhuận trước thuế…), có thể thấy hầu hết các NH đều đạt mức tăng trưởng cao, các chỉ số ROA, ROE… đạt con số rất “đẹp”. Tuy nhiên điều này có được chủ yếu từ hoạt động 6 tháng đầu năm, chứ những tháng cuối năm các NH đều khá chật vật trong việc tìm kiếm lợi nhuận, nhất là lợi nhuận từ tín dụng. Nhiều NH kiếm được lợi nhuận chủ yếu vẫn là từ đầu tư tài chính, dịch vụ và kinh doanh ngoại hối; từ những khoản lãi bất thường như bán CK đầu tư, thu được thặng dư từ phát hành CP, phát mãi tài sản thế chấp cho một số khoản nợ…

 

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

 

Ông Dominic Scriven, Giám đốc Quỹ Dragon Capital, nhận định trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, các NH TMCP Việt Nam cũng giống như nhiều NH khác trên thế giới, đang rơi vào tình trạng lợi nhuận trên tổng tài sản ngày càng giảm dần, dự báo 12 tháng tới tình trạng này sẽ càng rõ rệt. Lý do là các NH nào cũng đang chú trọng quy mô và vốn hoạt động, tăng mạnh vốn chủ sở hữu, mạng lưới hoạt động của các NH ngày càng rộng lớn đã giúp cho nguồn vốn tiền gửi  chảy vào các NH ngày càng mạnh mẽ (khoảng 2 tỷ USD/ngày).

 

Song hoạt động tín dụng lại không thể theo kịp tốc độ tăng trưởng vốn của các NH. Bên cạnh cho vay, NH đã chọn cách mua trái phiếu, nhưng lợi nhuận thu lại sẽ phải ít hơn. Giải pháp hiện nay là các NH phải phải đẩy mạnh hoạt động cho vay nhiều hơn với rủi ro ít hơn, trong đó một trong những lĩnh vực NH có thể phát triển là cho vay tiêu dùng và cho vay mua nhà. Theo ông Dominic Scriven, hoạt động tín dụng nhà ở của các NH ở Anh đem lại lợi nhuận khá lớn trong tổng lợi nhuận của các NH (chiếm khoảng 40%); ở Việt Nam lĩnh vực này còn rất nhiều tiềm năng mà các NH có thể khai thác…

 

Theo ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (NHNN), hiện nay  người đi vay vẫn nhiều hơn người cho vay nên mặc dù nhiều NH đang ở trong tình trạng thừa vốn khả dụng nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của người dân và DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Muốn gia tăng lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay, các NH phải tính đến việc cải tiến cách thức cho vay và thay đổi phương pháp quản trị. Cạnh tranh tín dụng bền vững không phải là cạnh tranh về giá mà chính là cạnh tranh về việc tìm được đối tượng cho vay phù hợp và  đảm bảo an toàn.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây