Báo cáo này được xây dựng trên cơ sở tham khảo ý kiến của hàng loạt tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia trên khắp thế giới. Việt Nam lọt vào top 10 nền kinh tế hấp dẫn nhất thế giới về đầu tư trong giai đoạn 2007-2009.
Có 11% tập đoàn được khảo sát khẳng định Việt Nam sẽ là điểm đầu tư hấp dẫn nhất của họ trong những năm tới. Hai quốc gia đông dân nhất thế giới Trung Quốc, Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu về đầu tư chủ yếu nhờ quy mô nền kinh tế và thị trường nội địa rộng lớn.
Theo UNCTAD, Việt Nam chiếm vị trí số 1 thế giới về hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên qua khảo sát cũng cho thấy trong các lĩnh vực khác như dịch vụ, ngân hàng, tài chính Việt Nam chưa thật sự hấp dẫn. Tính chung, Việt Nam chỉ được xếp vị trí thứ 6 trên thế giới trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
UNCTAD đánh giá như vậy. Nhưng theo khảo sát của Hội đồng Kinh doanh châu Á thì Việt Nam được xếp vào hàng thứ ba thế giới về hấp dẫn đầu tư trong giai đoạn 2007-2009. Có đến 85% ban lãnh đạo các tập đoàn kinh tế châu Á khi lên kế hoạch sản xuất kinh doanh cho biết, 3 nước mà họ nhắm đến: đầu tiên là Trung Quốc, kế đến là Ấn Độ (51%) và Việt Nam (38%).
Nhân đây xin giới thiệu thêm một vài đánh giá khác về kinh tế Việt Nam. Báo cáo của tập đoàn tư vấn kinh doanh lớn nhất thế giới Pricewaterhouse Coopers công bố hồi tháng 7-2007 xếp Việt Nam ở vị trí số 1 trong số 21 nền kinh tế mới nổi về hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất.
Còn theo báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 9-2007, Việt Nam xếp hạng 91 về mức độ kinh doanh thuận lợi, tăng 13 bậc so với năm trước.
Đánh giá của UNCTAD hoàn toàn phù hợp với tình hình diễn biến đầu tư FDI tại Việt Nam năm 2007. 9 tháng đã thu hút được 13 tỷ USD, vượt qua con số 10,2 tỷ USD của năm 2006. Nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam khá lớn nhưng số vốn thực hiện trên thực tế còn thấp. Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho biết, năm 2006 ta thu hút được số vốn FDI kỷ lục (10,2 tỷ USD) nhưng số vốn đưa vào thực hiện mới đạt 4,1 tỷ USD. Đây là mặt yếu cần khắc phục sớm.