Những toan tính của NĐT vào IPO Vietcombank (Trong ảnh: NĐT theo dõi buổi giới thiệu CP Vietcombank tại TPHCM). Ảnh: Cao Thăng
Tác động thị trường
Khối lượng cổ phần đưa ra đấu giá của Bảo Việt vào ngày 31-5 là 59,44 triệu cổ phần, thấp hơn so với VCB (97,5 triệu cổ phần). Tuy vậy, trước phiên đấu giá, Bảo Việt đã thu hút sự quan tâm lớn của các NĐT, có những diễn đàn đến hơn 140 trang dành để bình luận, tường thuật phiên đấu giá Bảo Việt.
Trước IPO Bảo Việt, đã có nhiều dự báo cho rằng một lượng tiền lớn sẽ được đưa vào phiên đấu giá CP này, các đại gia sẽ làm giá để CP này thấp nhằm có thể mua Bảo Việt giá hấp dẫn hơn, song nhiều chuyên gia cũng cho là mức độ tác động chưa rõ ràng (giống như thời điểm này của VCB). Ngay sau khi công bố thời điểm đăng ký, nộp tiền đặt cọc, đấu giá, thị trường niêm yết của hai miền đều giảm.
Phiên đấu giá Bảo Việt diễn ra vào thời điểm thị trường không sốt và vào thời điểm đó nhiều dự đoán trước phiên đấu giá là NĐT cá nhân có thể sẽ bán CP để có tiền tham gia. Kết quả đã cho thấy dù NĐT đã đặt mua hết cổ phần của Bảo Việt, nhưng càng đến gần thời điểm nộp tiền số người bỏ cọc ngày càng nhiều. Dù số bỏ cọc chưa nhiều đến mức Bảo Việt phải tiến hành đấu giá lại, nhưng điều đó cũng cho thấy đã không có sự chuyển dịch nhiều tiền từ thị trường niêm yết sang Bảo Việt.
Vào thời điểm này, thị trường cũng đang có những diễn biến khá tương tự trước phiên đấu giá VCB. IPO VCB được đánh giá là đã có những ảnh hưởng lớn đến khối lượng, giá trị cũng như chỉ số của sàn TPHCM và Hà Nội trong bối cảnh theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước hạn chót trong Chỉ thị 03 là ngày 31-12 đang đến gần, hàng loạt DN phát hành thêm CP… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại cho rằng tất cả chưa rõ ràng để nói rằng đây là hệ quả của việc IPO VCB.
Một điểm đáng lưu ý đối với những NĐT cá nhân là đến thời điểm này, sau khi IPO Bảo Việt đã được khoảng 6 tháng thì giá được chào bán trên thị trường tự do cũng chỉ dao động quanh ngưỡng 74.000 đồng/cổ phần - tương đương với chính giá trúng trước đó. Và cùng với thời điểm kết quả IPO của Bảo Việt được công bố, giá CP của một số DN cùng ngành mà trước đó dự báo sẽ bị ảnh hưởng, như Bảo Minh vẫn duy trì ở mức 130.000 đồng/CP. Liệu điều này có tương đồng với IPO VCB?
Đối tác chiến lược nước ngoài
Đây cũng là điểm giống nhau giữa 2 đại gia Bảo Việt và VCB, đó là cùng có “cơ chế đặc thù” trong việc đàm phán, tìm đối tác chiến lược trước (ngược với quy trình của Nghị định 187 và 109 về chuyển DN nhà nước thành CTCP: chào bán cho NĐT chiến lược căn cứ trên kết quả đấu giá), những vấn đề về giá trở thành lực cản khiến cho cả hai DN này chậm tiến độ cổ phần hóa và cũng không thành công trong việc chọn đối tác. Việc không lựa chọn được đối tác chiến lược trước đã khiến VCB phải đi theo đúng quy trình là đưa ra đấu giá trước và căn cứ vào mức giá đấu bình quân để chọn đối tác chiến lược.
Dù đã có kinh nghiệm từ việc IPO Bảo Việt song những thay đổi của việc IPO VCB vừa qua cho thấy vẫn có sự lúng túng trong việc IPO những DN lớn.
Việc IPO VCB xong mới chọn đối tác chiến lược nước ngoài cũng khó có thể nói trước liệu việc cổ phần hóa VCB có thành công hay không, bởi nếu giá cao thì liệu NĐT chiến lược nước ngoài có chấp nhận? Nhiều thông tin cho biết trước IPO Bảo Việt có khá nhiều NĐT chiến lược nước ngoài muốn tham gia vào Bảo Việt, nhưng sau khi IPO chỉ còn lại một đối tác và trở thành NĐT chiến lược của Bảo Việt hiện nay: HSBC Insurance. Thế nhưng, đối tác chiến lược nước ngoài này của Bảo Việt chỉ mua 10% vốn điều lệ trong tổng số 18% bán cho đối tác chiến lược nước ngoài.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT VCB, cho biết về cơ bản giá bán cho đối tác chiến lược sẽ phù hợp với Nghị định 109 (không thấp hơn giá đấu thành công bình quân). Tuy nhiên, Nghị định 109 cũng đưa ra một khả năng nữa là trình Chính phủ quyết định trong trường hợp cần thiết. Cũng theo ông Bình, việc lựa chọn đối tác chiến lược sau khi còn phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ chứ không phải quyết định của riêng VCB.
Bảng so sánh một số chỉ tiêu của VCB với một số ngân hàng